Đa dạng mô hình hoạt động
Ngay từ năm 2020, với sự hỗ trợ của Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án, do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF – Việt Nam) và các đối tác địa phương thực hiện), thành phố Hà Tĩnh đã chủ động phối hợp thực hiện khảo sát hiện trạng rác thải, xác định rõ các nguồn phát sinh và điểm nóng thất thoát rác nhựa ra môi trường.
Theo khảo sát này, lượng rác thải nhựa thất thoát trung bình trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh theo tính toán là khoảng 297 kg/ngày, tương ứng với 108 tấn/năm. Lý do chủ yếu là từ việc xả rác của một số hộ dân ven sông, các khu vực chợ và lượng rác không thu gom được theo hệ thống thu gom rác thải hoặc rơi vãi trong quá trình vận chuyển, tập kết rác.

Từ kết quả khảo sát, thành phố đã ban hành Kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2025, tầm nhìn 2030, trong đó tập trung các nhóm giải pháp then chốt như hoàn thiện chính sách, nâng cao nhận thức, thúc đẩy tiêu dùng xanh, phân loại tại nguồn, tăng cường tái chế và hợp tác quốc tế. Trên cơ sở kế hoạch đó, nhiều mô hình sáng tạo đã được triển khai thành công.
Trong lĩnh vực giáo dục, Dự án phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo triển khai mô hình “Trường học không rác nhựa” tại 6 trường học, kết hợp tập huấn, lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường trong bài giảng và tổ chức ngoại khóa. Gần 2.000 học sinh, 180 giáo viên được trực tiếp tham gia, bước đầu thay đổi hành vi tiêu dùng, hình thành thói quen phân loại và giảm nhựa ngay từ thế hệ tương lai.
Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn và Hội Nông dân thành phố đóng vai trò nòng cốt trong triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: “Ngôi nhà xanh tiết kiệm sinh thái”, “Phân loại và ủ phân compost tại hộ gia đình”, “Ứng dụng vi sinh bản địa IMO”, “Chợ giảm túi nilon”, “Sân chơi tái chế”, “Hội thi truyền thông rác nhựa”…
Đặc biệt, sân chơi xanh tại phường Bắc Hà có quy mô gần 2.000m2, không chỉ sử dụng vật liệu tái chế mà còn tích hợp biển bảng giáo dục môi trường sử dụng năng lượng mặt trời và liên kết với chuyên trang chuyển đổi số "Sống xanh", thể hiện sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền. Những mô hình này không chỉ lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường mà còn thúc đẩy lối sống xanh, kinh tế tuần hoàn trong cộng đồng.

Công tác quản lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng được triển khai bài bản và đạt kết quả rõ rệt. Hệ thống gồm 105 bể chứa nhỏ và 7 bể tập trung, cùng trang thiết bị hỗ trợ, đã được Dự án bàn giao. Mô hình vận hành hiệu quả với vai trò nòng cốt của Hội Nông dân các cấp trong việc thu gom từ đồng ruộng về điểm tập kết. Nhờ đó, nhận thức của nông dân được nâng cao, tình trạng xả thải bừa bãi giảm đáng kể, và lượng bao bì thu gom đạt 1.300 - 1.500 kg/năm, được xử lý đúng quy định bằng ngân sách thành phố.
Không chỉ dừng ở đó, thành phố còn tập trung vào các điểm nóng môi trường. Điển hình như chiến dịch xóa bỏ điểm đen rác thải tại chợ Đò, xã Đồng Môn, với sự tham gia của 50 đoàn viên thanh niên và người dân, đã xử lý 60 tấn rác, trong đó 40% là rác nhựa – góp phần ngăn chặn dòng chảy rác ra biển.
Tiên phong số hóa quản lý rác thải
Đáng chú ý, thành phố cũng đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý môi trường. Năm 2024, hệ thống phần mềm quản lý chất thải rắn đã được xây dựng, tích hợp cơ sở dữ liệu nguồn thải, hỗ trợ giám sát, theo dõi quá trình thu gom, vận chuyển, xử lý rác. Thành phố Hà Tĩnh là một trong những địa phương tiên phong trong cả nước ứng dụng số hóa vào quản lý rác thải đồng bộ theo định hướng của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.

Có thể nói, các mô hình và hoạt động tại thành phố Hà Tĩnh đã phản ánh rõ nét một cách tiếp cận toàn diện, kết hợp giữa công cụ quản lý nhà nước, giáo dục, truyền thông, số hóa và phát triển cộng đồng. Thành công của Hà Tĩnh là minh chứng cho hiệu quả của cơ chế phối hợp đa ngành, đa bên trong quản lý rác thải nhựa – vấn đề không còn là trách nhiệm riêng của ngành môi trường, mà là nhiệm vụ chính trị mang tính thời sự của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Với quyết tâm cao, tầm nhìn dài hạn và sự tham gia đồng bộ từ chính quyền tới người dân, thành phố Hà Tĩnh đang trên hành trình xây dựng một đô thị không rác thải nhựa – hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, văn minh và thân thiện với môi trường.