Sớm ban hành kế hoạch hành động
Thành phố Rạch Giá có diện tích tự nhiên gần 105km2, trong đó có khu lấn biển về phía Tây để mở rộng đô thị mới rộng 420ha thuộc các phường Vĩnh Bảo, Vĩnh Lạc và An Hòa; khu lấn biển 16ha thuộc phường Vĩnh Thanh Vân. Những năm qua, một số công trình trọng tâm được đầu tư xây dựng đã góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị của thành phố. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển về kinh tế thì áp lực về dân số, môi trường, rác thải sinh hoạt cũng gia tăng.
Thống kê cho thấy, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 170 - 184 tấn/ngày; tỷ lệ thu gom đạt từ 84 - 91%. Trong số rác thải được thu gom, 72 - 75% rác được xử lý chủ yếu bằng hình thức đốt, 12 - 15% được xử lý làm phân bón, số còn lại 10 - 15% được chôn lấp tại khu vực xử lý rác.

Từ năm 2021, với sự hỗ trợ của dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa ra đại dương tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án, do Cục Biển và Hải đảo Việt Nam chủ trì, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên – WWF Việt Nam và các đối tác địa phương thực hiện), UBND thành phố Rạch Giá đã xây dựng và ban hành Kế hoạch hành động về quản lý chất thải nhựa và rác thải nhựa đến năm 2025 (Kế hoạch số 152/KH-UBND ngày 16.9.2021). Đây là văn bản đóng vai trò then chốt trong chiến lược tăng cường kiểm soát và giảm thất thoát rác thải nhựa ra môi trường tự nhiên, giao nhiệm vụ và huy động sự tham gia của các phòng ban và các bên liên quan cùng phối hợp thực hiện.
Kế hoạch xác định rõ 4 nhiệm vụ trọng tâm, từ tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến thu gom, phân loại, xử lý và ngăn ngừa rác thải nhựa thất thoát ra môi trường. Để nâng cao năng lực thực thi, Dự án đã phối hợp tổ chức 3 lớp tập huấn đào tạo nguồn (ToT) trong năm 2022 cho gần 200 cán bộ nòng cốt thuộc ngành giáo dục, Đoàn thanh niên và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố về kỹ năng truyền thông, phân loại rác, ứng dụng chế phẩm sinh học IMO.
Bên cạnh đó, Dự án cũng tổ chức các lớp tập huấn phổ biến quy định pháp luật về quản lý chất thải rắn, hướng dẫn phân loại rác theo Quyết định số 05/2024/QĐ-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang cho hơn 120 cán bộ chủ chốt của thành phố, các xã/phường và khu phố, chuẩn bị cho lộ trình phân loại rác tại nguồn bắt buộc từ năm 2025.
Phối hợp triển khai là yếu tố then chốt
Song song công tác hoàn thiện khung chính sách và nâng cao năng lực quản lý, công tác thu gom rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, đã được tăng cường đáng kể. Dự án đã hỗ trợ 160 thùng rác công cộng loại 240 lít cho các khu vực công viên, bệnh viện và 18 thùng rác chuyên dụng có càng kéo xe máy cho 3 xã/phường ngoại ô (Phi Thông, Vĩnh Thông, Vĩnh Hiệp) nhằm mở rộng phạm vi thu gom tại các khu vực khó tiếp cận.
Công tác xử lý các điểm nóng ô nhiễm được triển khai quyết liệt, với 5 điểm được dọn sạch, thu gom hàng trăm mét khối rác tồn đọng, kết hợp lắp đặt 6 camera giám sát và trồng cây xanh để ngăn ngừa tái diễn. Hoạt động thu gom rác trên sông và ven biển cũng được thí điểm với 24 chuyến tàu, vớt được hơn 26 tấn rác, mở ra hướng đi cho việc đưa dịch vụ này vào công ích.
Đặc biệt, hệ thống thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng được thiết lập với 48 bể chứa xây mới, đi kèm các lớp truyền thông và trang bị dụng cụ thu gom cho đơn vị chuyên môn. Nỗ lực giảm rác thải nhựa trong ngành khai thác thủy sản cũng được chú trọng thông qua việc hỗ trợ Cảng cá Kiên Giang xây dựng nhà chứa rác, cung cấp túi lưới, pano tuyên truyền và tổ chức các lớp truyền thông cho ngư dân.

Đáng chú ý, nhiều mô hình thực tiễn đã được triển khai sâu rộng, mang lại hiệu quả kép về môi trường và xã hội.
Mô hình phân loại rác và xử lý rác hữu cơ bằng chế phẩm IMO tại hộ gia đình do Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì đã tiếp cận hơn 1.200 hộ dân thông qua 51 lớp tập huấn, góp phần giảm lượng rác phải xử lý và tận dụng tài nguyên. Mô hình ủ rác hữu cơ tập trung được thí điểm tại 2 siêu thị Co.opmart cho thấy tiềm năng xử lý rác thải thực phẩm quy mô lớn.
Trong trường học, mô hình “Trường học giảm rác thải nhựa” được triển khai tại 5 điểm trường thí điểm và sau đó được nhân rộng thông qua Kế hoạch 176/KH-UBND của thành phố, tập trung thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh và giáo viên. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố cũng triển khai hiệu quả mô hình "Bình hoa 3T" tại 16 cơ quan, đơn vị, thu gom trên 2,2 tấn rác tái chế gây quỹ hoạt động.
Ngoài ra, mô hình tái chế banner cũ thành các sản phẩm hữu ích (túi xách, chậu cây) đã tạo sinh kế cho nhóm yếu thế tại Trường Khuyết tật Tình thương Mỹ Lâm và doanh nghiệp xã hội Vòng Tay Tử Tế.
Cùng với các mô hình thí điểm, công tác truyền thông được thực hiện đa dạng, từ các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm đến xây dựng phim tuyên truyền và tổ chức các sự kiện lớn như "Ngày hội Môi trường tỉnh Kiên Giang" năm 2024, thu hút hơn 300 đoàn viên thanh niên tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới với nhiều hoạt động thiết thực và thu gom hơn 10 tấn rác thải.
Đặc biệt, công tác triển khai có sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên), trường học, doanh nghiệp và cộng đồng. Đây là yếu tố then chốt tạo nên những kết quả tích cực.
Qua gần 4 năm triển khai Dự án (từ 2021 – 6.2024), nhận thức của cán bộ và người dân thành phố Rạch Giá về vấn đề rác thải nhựa đã được nâng lên rõ rệt, công tác quản lý và giảm thiểu thất thoát rác thải nhựa có nhiều cải thiện. Các hoạt động và mô hình đã góp phần chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020.
Tuy nhiên, để duy trì tính bền vững và đạt được các mục tiêu của Kế hoạch hành động đến năm 2025, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa từ các cấp chính quyền, các tổ chức và toàn thể nhân dân trong việc thực hiện trách nhiệm và thay đổi hành vi, ứng xử với rác thải nhựa.