Từ nâng cao nhận thức cộng đồng…
Xác định truyền thông là một trong những giải pháp then chốt, Dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” (gọi tắt là Dự án) đã xây dựng chiến lược truyền thông bài bản ngay từ đầu, dựa trên kết quả khảo sát xã hội học sâu rộng về kiến thức, thái độ, hành vi của các nhóm đối tượng liên quan đến tiêu dùng và thải bỏ nhựa sử dụng một lần (SUP).

Chiến lược áp dụng cách tiếp cận đa kênh, kết hợp linh hoạt giữa truyền thông đại chúng (báo chí, truyền hình), truyền thông kỹ thuật số (website, mạng xã hội, sản phẩm video sáng tạo), truyền thông trực tiếp tại cộng đồng (sự kiện, lễ hội, tập huấn, mô hình thí điểm) và các hoạt động giáo dục trong trường học.
Đặc biệt, Dự án chú trọng thiết kế thông điệp và công cụ truyền thông phù hợp với từng nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể, bao gồm người tiêu dùng nói chung, thanh thiếu niên, phụ nữ, cộng đồng ngư dân, doanh nghiệp (bán lẻ, du lịch), tiểu thương tại các chợ và cán bộ quản lý nhà nước tại các địa phương tham gia, gồm Đà Nẵng, Phú Yên, Quảng Bình, TP. Huế, Kiên Giang, Hà Tĩnh... Sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên) và các đơn vị truyền thông là yếu tố then chốt bảo đảm tính hiệu quả và lan tỏa của các hoạt động.
Theo đánh giá độc lập cuối kỳ, các hoạt động truyền thông trong khuôn khổ Dự án đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề rác thải nhựa. Người dân ngày càng nhận thức rõ hơn về tác hại của rác nhựa đối với sức khỏe và môi trường; hiểu biết tốt hơn về các quy định pháp luật, đặc biệt là Luật Bảo vệ Môi trường 2020 với yêu cầu phân loại rác tại nguồn; đồng thời thể hiện sự quan tâm, đồng thuận và ủng hộ đối với các chính sách của Nhà nước trong quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa.
…đến thay đổi hành vi
Không dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, truyền thông còn góp phần thúc đẩy những thay đổi rõ nét về hành vi tiêu dùng.

Kết quả khảo sát tại các địa phương cho thấy tỷ lệ người dân không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần trong ngày gần nhất đã tăng từ 5,1% (năm 2020) lên 17% (năm 2025). Riêng với túi nilon – sản phẩm nhựa phổ biến nhất – tỷ lệ không sử dụng đã tăng từ 17,6% lên 41,5%, gần gấp 2,5 lần. Nhiều địa phương đã ghi nhận sự thay đổi rõ rệt nhờ kết hợp hiệu quả giữa truyền thông, hỗ trợ chính sách và sự vào cuộc của chính quyền.
Một số mô hình truyền thông điểm cho thấy tác động lan tỏa bền vững. Tại các trường học, mô hình “Trường học không rác nhựa” đã giúp giảm đến 70% lượng rác nhựa phát sinh thông qua các hoạt động đổi mới phương pháp giáo dục, sử dụng vật liệu thay thế và khuyến khích hành vi xanh.

Tại cộng đồng ngư dân, mô hình “Mang rác từ biển về bờ” không chỉ được duy trì mà còn trở thành thói quen thường nhật. Trong lĩnh vực thương mại và du lịch, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia chương trình truyền thông và cam kết cắt giảm nhựa dùng một lần trong hoạt động kinh doanh.
Bài học kinh nghiệm và định hướng tương lai
Từ thực tiễn triển khai Dự án trong giai đoạn 2020 - 2025, có thể rút ra bài học rằng truyền thông chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi được thiết kế chiến lược, đồng bộ với các nỗ lực về chính sách, hạ tầng và vận động xã hội. Trong thời gian tới, việc tiếp tục duy trì các hoạt động truyền thông bền bỉ, điều chỉnh thông điệp phù hợp với đặc thù từng nhóm đối tượng, mở rộng nền tảng số, tăng cường hợp tác với báo chí địa phương và lồng ghép nội dung giảm nhựa vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội là những hướng đi cần thiết.

Thực tế cho thấy, thay đổi hành vi cộng đồng là một quá trình dài hơi và cần sự kiên trì. Những kết quả bước đầu từ Dự án không chỉ khẳng định vai trò của truyền thông như một đòn bẩy quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, mà còn mở ra triển vọng cho các mô hình phối hợp đa bên trong quản lý rác thải nhựa. Với sự chung tay của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và từng người dân, mục tiêu về một Việt Nam không rác nhựa là hoàn toàn khả thi.