Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ họp phiên toàn thể lần thứ 15

- Thứ Sáu, 08/01/2021, 18:38 - Chia sẻ
Ngày 8.1, tại Kiên Giang, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 15. Dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình, các đại biểu đã cho ý kiến vào dự thảo báo cáo và kế hoạch tổ chức tổng kết nhiệm kỳ khóa XIV (2016 - 2021) của Ủy ban.

Theo dự thảo Báo cáo Tổng kết nhiệm kỳ của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, với quyết tâm chính trị cao, Ủy ban đã tổ chức triển khai hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật với nhiều kết quả nổi bật, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung của Quốc hội Khóa XIV. Hoạt động lập pháp có nhiều cải tiến về cả nội dung, phương pháp và hình thức triển khai. Các báo cáo thẩm tra, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật do Ủy ban chủ trì tham mưu đều được nghiên cứu kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc và có tính phản biện, được các cơ quan có thẩm quyền nghiêm túc tiếp thu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phan Thanh Bình phát biểu tại phiên họp

Công tác giám sát hoạt động trong lĩnh vực phụ trách của Ủy ban được chú trọng và có nhiều đổi mới; chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên. Giám sát tổng hợp thường kỳ của Ủy ban được tổ chức, triển khai bài bản với định hướng, mục tiêu rõ ràng. Chủ đề, nội dung giám sát chuyên đề của Ủy ban có tính thời sự, có trọng tâm, trọng điểm. Từ kết quả giám sát, Ủy ban đã có nhiều kiến nghị xác đáng và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực giúp cơ quan quản lý nhà nước ở các lĩnh vực có liên quan khắc phục những yếu kém, vướng mắc trong thực tiễn hoạt động quản lý điều hành…

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban và các thành viên Ủy ban đã có một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và hiệu quả

Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế trong công tác lập pháp, giám sát và tổ chức hoạt động của Ủy ban. Cụ thể, về công tác lập pháp, số lượng dự án luật Ủy ban được giao chủ trì thẩm tra trong nhiệm kỳ qua khá lớn với nhiều lĩnh vực chuyên ngành đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu trong khi số lượng đại biểu có kinh nghiệm hoạt động, hiểu biết sâu về lĩnh vực còn ít; cơ chế huy động đội ngũ chuyên gia ngoài cơ quan còn nhiều khó khăn...

Việc triển khai thực hiện kế hoạch giám sát của các nhóm chuyên môn theo tháng và theo quý đôi khi chưa bảo đảm tiến độ do thường xuyên phải thực hiện các nhiệm vụ đột xuất được giao. Hoạt động giám sát vẫn chủ yếu dựa trên tài liệu, báo cáo của đối tượng được giám sát và chưa theo đến cùng vấn đề...

Các đại biểu góp ý hoàn thiện báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Ủy ban

Góp ý hoàn thiện báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2021, các đại biểu đều cho rằng, Ủy ban đã có một nhiệm kỳ hoạt động dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm và hiệu quả; đánh giá cao sự điều hành khoa học, linh hoạt của lãnh đạo Ủy ban và hoạt động tích cực của Thường trực Ủy ban; bộ máy tham mưu, giúp việc tốt. Để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ủy ban nói riêng, của Quốc hội nói chung trong các nhiệm kỳ tiếp theo, một số đại biểu đề xuất: Cần có sự kế thừa, nâng cao chất lượng đại biểu nói chung và chất lượng đại biểu là thành viên Ủy ban nói riêng về kinh nghiệm, bản lĩnh và tinh thông lĩnh vực Ủy ban phụ trách; nâng cao vai trò và chất lượng hoạt động thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội đối với các dự án luật; đa dạng hóa hình thức và đổi mới phương thức hoạt động giám sát của QH trên cơ sở chú trọng đến hoạt động giám sát chuyên sâu, giúp giải quyết toàn diện, triệt để các vấn đề đặt ra trong lĩnh vực…

CTV