Cải cách thủ tục hành chính ở Hà Nội

Ưu tiên lĩnh vực “nóng”

- Thứ Tư, 25/11/2020, 09:31 - Chia sẻ
Những năm qua, công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội đạt nhiều kết quả. Năm nay, trước những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, để cải thiện mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, thành phố tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách, cắt giảm một số thủ tục hành chính trong các lĩnh vực "nóng" như cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ hành chính cấp xã...

Vẫn còn có mặt chưa đáp ứng được nhu cầu

Liên tục ba năm (2017 - 2019), công tác cải cách hành chính của TP Hà Nội nằm ở vị trí tốp đầu của cả nước; Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã xếp thứ 9 trong 63 tỉnh, thành phố; chất lượng điều hành kinh tế ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố (SIPAS) tiếp tục đạt hơn 80% và hoàn thành sớm hơn hai năm so với nghị quyết của Chính phủ...

Hà Nội cần ưu tiên căt giảm các thủ tục không cần thiết

Mặc dù vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, công tác cải cách hành chính còn có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Thủ đô, bởi Chỉ số hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của thành phố đang đứng ở vị trí thấp. Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tuy đã đạt mục tiêu đề ra, nhưng còn thấp hơn so với mức trung bình chung cả nước. Chất lượng đội ngũ cán bộ công chức chưa đồng đều. Một số cán bộ công chức vi phạm nội quy, quy chế, quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, thiếu chuẩn mực trong giao tiếp, gây bức xúc cho nhân dân, và trách nhiệm giải trình với người dân… chưa được thực hiện tốt.

Từ hoạt động thực tiễn ở cấp cơ sở, Phó Trưởng phòng Nội vụ huyện Gia Lâm Lưu Thị Ngọc Yến cho biết: Trong công tác cải cách hành chính quan trọng nhất là cải cách thủ tục hành chính và các phần mềm đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, nhưng thực tế qua kiểm tra một số xã trên địa bàn cho thấy phần mềm giải quyết thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai còn bất cập. Thời gian quy định để trả kết quả hồ sơ không tính 15 ngày công khai cho người dân vào trong quy trình, nên khi công dân thắc mắc thì cán bộ công chức lại phải giải thích. Nếu không sớm khắc phục, chú trọng đầu tư cải tiến hệ thống phần mềm dùng chung 3 cấp để thích ứng các quy định hiện hành, nếu không, việc triển khai thực hiện chỉ mang tính hình thức...

Công khai quy trình để người dân thực hiện và giám sát

Trước thực tế trên, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, để mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp trong các giao dịch hành chính, TP Hà Nội đã và đang tập trung nhiều giải pháp trong công tác cải cách hành chính gắn với triển khai thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, nhằm tạo bước chuyển mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ.

Cụ thể, năm 2020, Hà Nội đã tập trung ưu tiên 3 nội dung: Tổ chức bộ máy, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức, giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Trong đó, thành phố đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính bằng cách cắt giảm các điều kiện, thủ tục, giấy tờ không cần thiết; giảm thời gian, tiết kiệm chi phí giải quyết thủ tục hành chính; tích cực triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4...

Phó Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ Hà Nội Hoàng Thị Hồng Hải cho biết, thành phố cũng đã ban hành quy định thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn; đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích và qua dịch vụ công trực tuyến. 

Số liệu từ Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho thấy, trong 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính của Chính phủ, thành phố đã hoàn thành rà soát, đơn giản hóa 481 thủ tục hành chính, ước tính chi phí tiết giảm thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân là trên 91 tỷ đồng/năm.

Đặc biệt, tại cấp phường - đơn vị gần dân nhất, trong năm qua công tác cải cách hành chính cũng có nhiều cách làm hay, sáng tạo nhằm ngày càng tạo thuận lợi tối đa cho người dân trong giao dịch hành chính. Đơn cử ở Phường Khương Mai - đơn vị đầu tiên của quận Thanh Xuân thực hiện trả kết quả tại nhà theo yêu cầu của người dân với các lĩnh vực tư pháp, không phát sinh chi phí nào. Với cách làm sáng tạo này, công dân hoàn toàn có thể thực hiện đăng ký và nhận kết quả các thủ tục hành chính bằng hình thức lưu động và vẫn bảo đảm thời gian, chất lượng giải quyết.

Tuy vậy, để mang lại sự hài lòng tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều ý kiến cho rằng: Trong thời gian tới, UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương cần tiếp tục tập trung rà soát, đẩy mạnh cải cách hành chính. Đặc biệt, thành phố cần đánh giá tổng thể, loại bỏ các chi phí không chính thức; kịp thời công bố, công khai quy trình giải quyết thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp nắm rõ, thực hiện và giám sát.

Trong đó, cần ưu tiên cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong các lĩnh vực "nóng" như cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, dịch vụ hành chính cấp xã. Ngoài ra, thường xuyên tổ chức thanh, kiểm tra đột xuất trong cung cấp dịch vụ công, xử lý nghiêm những trường hợp tiêu cực trong thực thi công vụ; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, nhất là ở cấp xã, phường...

Bài và ảnh: Bảo Hân