Sáng 15.3, VITAS phối hợp Công ty TNHH C.S.P tổ chức Hội thảo Giải pháp kỹ thuật số Style3D cho ngành may mặc.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký VITAS Trương Văn Cẩm cho biết, ngành dệt may đã có bước phát triển vượt bậc. Nếu như năm 2001, khi Việt Nam bắt đầu thực thi hiệp định thương mại song phương với Mỹ, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt 1,6 tỷ USD thì đến 2022 đã đạt trên 44 tỷ USD, gấp 22,6 lần. Bình quân, toàn ngành tăng trưởng hơn 20%/năm.
Hiện, dệt may Việt Nam chủ yếu hướng ra xuất khẩu, chiếm 85% tổng sản xuất. Cũng bởi điều này, ngành dệt may phải đối diện với hàng loạt thách thức.
Theo đó, ngành phải cạnh tranh quyết liệt với các cường quốc xuất khẩu dệt may như Trung Quốc, Bangladesh. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam chịu tác động trực tiếp từ những biến động của thế giới. Đơn cử như năm 2019, xuất khẩu toàn ngành đạt 39 tỷ USD thì đến năm 2020, do tác động của Covid-19, xuất khẩu giảm còn 35 tỷ USD.
Đặc biệt, trong năm 2023, do tác động từ cuộc xung đột Nga – Ukraine cùng những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới, xuất khẩu dệt may giảm gần 11% so với 2022, là mức giảm sâu nhất trong nhiều năm qua.
Một thách thức lớn nữa là hiện nay, các thị trường nhập khẩu đặt ra nhiều yêu cầu rất khắt khe, như châu Âu đưa ra chiến lược dệt may bền vững, thay đổi thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh. Hàng loạt đạo luật quy định về chống lao động cưỡng bức (Mỹ), truy xuất nguồn gốc từ Mỹ, EU… Các nhãn hàng cũng yêu cầu thời gian giao hàng ngày càng nhanh hơn, yêu cầu tự chủ từ khâu thiết kế đến nguyên phụ liệu.
Dù vậy, cơ hội đối với ngành hàng may mặc vẫn rất lớn, với 16 hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP đang trong quá trình giảm thuế về 0% sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035, với định hướng tiếp tục phát triển đạt tốc độ 6,5 – 6,8%/năm, kim ngạch xuất khẩu đến 2030 đạt 68 – 70 tỷ USD, tự túc nguyên phụ liệu; sản xuất tiêu dùng trong nước và xuất khẩu bằng thương hiệu của mình…
Đây là những định hướng quan trọng, đòi hỏi doanh nghiệp cần ứng dụng tiến bộ của khoa học công nghệ để giải quyết khâu yếu hiện nay là xây dựng thương hiệu – Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Trương Văn Cẩm nhấn mạnh.
Đại diện Công ty C.S.P cho biết, việc ứng dụng công nghệ Style 3D sẽ giúp cho các quá trình từ thiết kế, chọn mẫu, duyệt mẫu, sản xuất được đẩy nhanh hơn.
Nếu theo cách truyền thống, để làm một mẫu thật cần đến 336 giờ, phải trải qua nhiều công đoạn, sau đó mới gửi đến khách hàng. Nếu khách hàng không duyệt, mẫu sẽ được lưu kho, gây lãng phí. Tuy nhiên, khi sử dụng công nghệ, chỉ cần 2 – 3 giờ có thể xong một mẫu áo; lâu nhất là 1 - 2 ngày, nhanh hơn rất nhiều.
Việc ứng dụng công nghệ không chỉ giúp tăng tốc thời gian thiết kế ở giai đoạn đầu tiên khi tìm kiếm mẫu mã, mà còn giúp cập nhật xu hướng, thay thế người mẫu ảo giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, qua đó đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng ngày càng nhanh hơn của các nhãn hiệu.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp cùng chuyên gia đã tập trung trao đổi về giải pháp chuyển đổi từ OEM/CM sang ODM/FOB. Các doanh nghiệp cũng được trải nghiệm các thiết bị như hệ thống scan vải và test vải thực tế, trải nghiệm sáng tạo thiết kế thời trang trực tiếp trên ứng dụng Tablet.