Sử dụng máy lạnh trong mùa hè không đúng cách ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?

- Thứ Năm, 25/04/2024, 15:37 - Chia sẻ

Việc sử dụng máy lạnh đem lại những lợi ích nhất định đối với hiệu suất công việc, cũng như mang lại sự thoải mái cho con người. Tuy nhiên, dùng máy lạnh thường xuyên, để nhiệt độ quá lạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường hô hấp.

Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh thông tin, tiếp nhận bệnh nhi N.H.L.P (3 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) cấp cứu trong tình trạng sốt 38 - 39 độ C, kèm ho, quấy khóc, bỏ ăn 3 ngày.

Khai thác bệnh sử, trẻ thường ở trong phòng máy lạnh khi ở trường và lúc về nhà; tối ngủ phòng máy lạnh khoảng 22 độ C dẫn tới viêm họng, sổ mũi. Một tuần nay, bé có những triệu chứng trên nhưng uống thuốc không khỏi.

Sau khi khám và nội soi mũi họng, bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm họng cấp, kê đơn thuốc, hướng dẫn mẹ bé cách chăm sóc phù hợp và theo dõi sát sao diễn biến của bệnh để tái khám theo lịch hẹn.

Sử dụng máy lạnh trong mùa hè không đúng cách ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?  -0
Sử dụng máy lạnh không đúng cách sẽ gây ra các bệnh lý hô hấp của trẻ (Ảnh minh họa)

Tương tự, trường hợp trẻ M.T.K.P. (5 tuổi, TP. Hồ Chí Minh) đến khám trong tình trạng ho liên tục, sổ mũi, đau họng, khó chịu, mệt mỏi. Triệu chứng bệnh xuất hiện cách đây một tuần, khi bé đi bơi và về nhà vào phòng máy lạnh ngay với nhiệt độ 18 độ C.

Sau đó, trẻ càng nằm máy lạnh càng ho nhiều hơn, càng đau họng nhưng tắt máy lạnh trẻ lại không chịu được, quấy khóc. Kết quả nội soi, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị viêm họng cấp, điều trị nội khoa và tái khám để theo dõi.

ThS.BS Chuyên khoa 1 Trương Tấn Phát, Trung tâm Tai Mũi Họng - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Nắng nóng, khi nhiệt độ tăng cao thì mọi người có xu hướng dùng máy lạnh liên tục, kéo dài cả ngày, để nhiệt độ phòng khoảng 17-20 độ C hoặc để luồng không khí lạnh thổi trực tiếp vào mặt, cổ, sau gáy. Chính điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ hô hấp”.

Khi sử dụng máy lạnh, các cửa được đóng kín, không khí lạnh là điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Môi trường lạnh cũng khiến niêm mạc mũi họng bị khô, sức đề kháng của cơ thể suy yếu, thân nhiệt cơ thể bị giảm.

Với những người đang bị bệnh, sức đề kháng đang yếu, khi bị vi khuẩn, virus tấn công sẽ khiến cho viêm mạc họng bị tổn thương nhiều hơn, bệnh không hết mà kéo dài dai dẳng.

Đặc biệt, thói quen há miệng khi ngủ trong phòng máy lạnh làm tăng nguy cơ viêm họng. Khi ngủ, tuyến nước bọt không đủ để cung cấp cho cổ họng, máy lạnh hút ẩm trong không khí càng làm cho cổ họng bị khô, rát và đau.

Việc sử dụng máy lạnh nhưng không vệ sinh thường xuyên làm cho nấm, vi khuẩn phát triển và phát tán vào không khí, thâm nhập vào niêm mạc họng gây nên viêm họng.

Bác sĩ khuyến cáo, để phòng ngừa viêm họng khi trời nắng nóng, nếu dùng máy lạnh không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C. Gia đình có trẻ nhỏ cần đảm bảo nhiệt độ tối thiểu là 28 độ C, vệ sinh máy lạnh 2-3 lần/năm.

Ngoài ra, mọi người nên vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, uống đủ nước (2 lít/ngày), hạn chế ăn đồ quá lạnh, đồ cay nóng; hạn chế hút thuốc, uống rượu bia; đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà; đến nơi nhiều khói bụi.

Sử dụng máy lạnh trong mùa hè không đúng cách ảnh hưởng như thế nào đến sức khoẻ?  -0
Để phòng ngừa viêm họng khi trời nắng nóng, nếu dùng máy lạnh không nên để nhiệt độ dưới 26 độ C (Ảnh minh họa)

Theo ThS. BS Trần Thị Thúy Tường - Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh: “ Việc sử dụng máy lạnh đem lại những lợi ích nhất định đối với hiệu suất công việc, cũng như mang lại sự thoải mái cho con người. Tuy nhiên, dùng máy lạnh thường xuyên, để nhiệt độ quá lạnh sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe đường hô hấp”.

Bên cạnh đó, không khí lạnh dễ làm khô niêm mạc mũi - nơi giúp bảo vệ đường hô hấp ngăn chặn các tác nhân vi khuẩn hay virus đi vào phổi và gây viêm nhiễm. Đặc biệt, với những người có bệnh lý hô hấp mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, những người già lớn tuổi, nhiều bệnh nền, sức đề kháng yếu.

“Nhiều nghiên cứu chứng minh không khí quá lạnh sẽ làm những người có bệnh lý hen hoặc bệnh phổi tăng mẫn cảm dễ lên cơn co thắt phế quản gây đợt cấp hen. Việc chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa môi trường bên ngoài và trong phòng cũng sẽ khiến cơ thể chưa kịp thích nghi gây hiện tượng sốc nhiệt”, bác sĩ Trần Thị Thúy Tường thông tin.

Để an toàn, bác sĩ lưu ý, người dùng máy lạnh không nên để chênh lệch nhiệt độ môi trường và nhiệt độ máy lạnh quá 7 độ. Thường xuyên để phòng ốc thông thoáng, vệ sinh máy lạnh định kỳ, bởi các tác nhân gây nhiễm khuẩn có thể tồn tại trong môi trường kín, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe hô hấp.
 

Xuân Quý
#