Miền cổ tích
Mùa xuân năm 2018, khi mới sang Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội Park Hyejin ghé thăm phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Quốc Huy. Bà rất ấn tượng trước hình ảnh họa sĩ miệt mài làm việc. Mặc dù hôm đó trời nóng, nhưng để thổi hồn vào tác phẩm và cho quá trình sáng tác hoàn toàn tự nhiên, anh đã không bật quạt. Cuộc lao động nghệ thuật hăng say ấy khiến bà thực sự xúc động và ngỏ lời đề nghị Nguyễn Quốc Huy giới thiệu những tác phẩm của mình tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc. Kết quả là triển lãm “Miền cổ tích” diễn ra từ ngày 31.10 - 17.11.
29 bức họa của Nguyễn Quốc Huy dẫn người xem vào một thế giới lung linh mờ ảo, bình dị và dịu êm như miền cổ tích với phong cảnh làng quê, có mái đình, chùa Việt, gốc đa, tường gạch... Các tác phẩm được ví như cuộc thả trôi cảm xúc trong ánh sáng vừa thâm trầm vừa rạng rỡ, vừa muôn sắc tươi mới của lá và hoa vừa độc nhất sâu thẳm của cội rễ cây và dòng nước. Hoài cảm, ký ức như những hình ảnh đan xen, dội lại giữa sự phân bổ màu sắc từ đơn giản đến phức tạp khiến cho câu chuyện của mỗi bức tranh huyền bí. Ở đó toát lên cả sự thân thuộc lẫn xa lạ, phảng phất dấu tích thời gian và những rung cảm trước bóng dáng của không gian như chùa Trầm, chùa Trấn Quốc, đền Voi Phục, thành cổ Sơn Tây, làng cổ Đường Lâm, Mai Châu, quê Bác... Vạn vật trong tranh Nguyễn Quốc Huy lôi cuốn ở sự bình yên, tĩnh mà động, động mà tĩnh, dịu dàng tựa những câu chuyện được kể trong ký ức thuở xưa.
Đánh thức sự cô liêu, hoang dã của đại ngàn, về miền trung du và ngôi làng bình yên của đồng bằng châu thổ sông Hồng để rồi họa sĩ lại làm cho nó thăng hoa trên đĩa màu của sơn mài. Một điểm chung trong các bức tranh là hình ảnh rễ, cành cây giăng móc quấn quýt vào nhau như tơ. Chủ đề tranh dường như chỉ là cái cớ cho nghệ thuật phát triển, diễn tả cái họa sĩ nghĩ chứ không phải cái họa sĩ nhìn. Cảnh sắc đời thường nhưng không thực đời thường, tưởng quen hóa ra lạ, tưởng lạ mà hóa ra quen. Vì đời người hữu hạn, thời gian vô chừng và những điều đẹp đẽ giá trị đều phải trải qua thử thách tháng năm.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy chia sẻ, tranh rất ít hoặc không xuất hiện con người, anh muốn dành cho công chúng khoảng không tự do để bước vào, cảm nhận dựa trên trải nghiệm và đối chiếu với cuộc sống ngoài kia chứ không phải trên khuôn mẫu định kiến nghệ sĩ đặt ra. “Miền cổ tích” bởi thế còn có hiện thực đời sống, có đối nhân xử thế và những cảm nhận thời cuộc…
![]() “Sớm Hồ Gươm” - sơn mài của Nguyễn Quốc Huy |
Đi xa để lại về gần
Họa sĩ Nguyễn Quốc Huy được nhiều người nhận xét là một cá tính mạnh mẽ, luôn muốn khẳng định mình. Anh giống như nông dân cày xới hết mảnh đất này thì phải tìm đến mảnh đất khác, cho nên tìm tòi sáng tạo với sơn mài là một hành trình nhọc nhằn không ngừng. Triển lãm lần này cũng là một sự trưng diện cái nhìn mới, diện mạo mới, đóng góp cho mỹ thuật sơn mài Việt Nam đương đại. Phó Chủ tịch Hội Mỹ Thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn cho rằng, nghệ sĩ này đã mang đến phong cảnh lạ với muôn ngóc ngách khó tìm, bằng sự dấn thân mạo hiểm trên muôn nẻo đường xa của sáng tạo nghệ thuật. Nhờ vậy, “sơn mài Việt đương đại có một Nguyễn Quốc Huy”.
Trong dòng chảy nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam, nhiều nghệ sĩ sơn mài tìm cách tạo dấu ấn cá nhân mà vẫn không làm mất đi nét truyền thống vốn có của chất liệu này. Trước Nguyễn Quốc Huy chưa có ai diễn tả độ ẩm của không khí một cách tinh tế trên sơn mài vì đó là thách thức cực kỳ lớn đến từ chất liệu, vốn phù hợp để diễn tả những sắc màu tương phản mạnh và không chú trọng đặc tả. Câu chuyện của mây, của sương mù, của mảng trắng mờ ảo huyền bí trong các tác phẩm là thành quả 10 năm họa sĩ đau đáu nghiên cứu, trải qua hàng trăm lần thử - sai. Kỹ thuật điều khiển độ dày mỏng, nặng nhẹ của hơi nước chính là khai thác điểm yếu của sơn mài thành thế mạnh cho chính nó.
“… Và trong rất nhiều con đường đã có, tôi tìm ra một con đường của riêng tôi. Tôi đã chọn được nghề và nghề cũng đã chọn tôi” - như tâm sự của anh, mỗi ngày với họa sĩ là một khám phá không lặp lại. Khám phá thông thường là tích lũy những điều thấy được, còn đối với nghệ sĩ là phải nuôi dưỡng cảm xúc lâu dài. So với các loại hình khác, sơn mài thử thách hơn cả, đòi hỏi sự săn sóc tinh thần liên tục. Nếu như các chất liệu khác vẽ đến đâu có thể nhìn ra ngay, sơn mài phải trải qua thời gian ít thì vài ngày, nhiều thì vài tháng hoặc cả năm. Nhiều người khó vượt qua được sự phức tạp ấy nên không dám theo đuổi, còn những ai đã theo đuổi lại đắm đuối với nó. Thử sức liên tục để đưa sơn mài ra khỏi khuôn mẫu sáng tác là một đắm đuối như thế của Nguyễn Quốc Huy, nhưng với anh, đó không phải là con đường phủ nhận truyền thống mà chính là trải nghiệm đi xa để lại về gần.