Chính phủ sẽ được tái cơ cấu như thế nào? Những bộ nào sẽ được sáp nhập lại với nhau? Chính phủ có bao nhiêu bộ là vừa? Nhiệm vụ, chức năng của các bộ và cơ quan ngang bộ sẽ thay đổi như thế nào? Rất nhiều câu hỏi như vậy đang được dư luận chú ý quan tâm, khi mà Kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XII đang đến gần và công việc này sẽ được quyết định. Tuy nhiên, Chính phủ là một bộ máy, chuyện thiết kế lại bộ máy đó, thay thế những chi tiết mới, hoàn thiện hóa quy trình vận hành… là công việc không hề đơn giản.
Thuật ngữ “Chính phủ cầm lái” và “Chính phủ chèo thuyền” được đưa ra bởi các nhà khoa học hành chính của Trung Quốc. Họ ví quá trình tái cơ cấu Chính phủ từ khi thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập là quá trình chuyển đổi từ mô hình Chính phủ chèo thuyền sang mô hình Chính phủ cầm lái. Ai cũng nhận rõ bộ máy Chính phủ ở Trung Quốc hiện nay khác xa bộ máy Chính phủ năm 1978, khi họ tiến hành công cuộc đổi mới. Giờ đây, một Trung Hoa trỗi dậy thành một cường quốc đáng gờm về sản xuất công nghiệp nhưng họ lại không có Bộ Công nghiệp. Trung Quốc cũng thành công với một bước đi táo bạo khi chỉ từ năm 1998 - 2001 giảm được 50% biên chế hành chính ở các thành phố Bắc Kinh, Thượng Hải, Thiên Tân. Trung Quốc cũng đang thực hiện thí điểm và sẽ nhân rộng mô hình để cho người dân cấp xã được trực tiếp bầu người đứng đầu cơ quan hành chính… Đó là những ví dụ chỉ rõ mười mươi rằng bộ máy hành chính đang ngày càng gọn nhẹ và linh hoạt trong khi xã hội dân sự đang từng bước lớn mạnh, vững chắc. Một quốc gia láng giềng khác của chúng ta là Singapore, vị kiến trúc sư của họ là ông Lý Quang Diệu đã đề xuất tiến trình tái cơ cấu Chính phủ trong giai đoạn hiện nay là từ “Chính phủ chỉ huy” sang “Chính phủ phục vụ”. Thực ra, Chính phủ chỉ huy chỉ là một cách nói khác của hình ảnh “Chính phủ cầm lái”. Nghĩa là Chính phủ phải đứng trên các hoạt động kinh tế - xã hội cụ thể để điều khiển nó bằng hệ thống chính sách và sự điều tiết vĩ mô chứ không phải là tham gia trực tiếp vào các hoạt động đó. Ông Lý Quang Diệu còn muốn thiết kế mô hình “Chính phủ phục vụ” với ý nghĩa là “người làm thuê” tin cậy được xã hội dân sự lựa chọn.
Trở về với câu hỏi Chính phủ nước ta cần bao nhiêu bộ là vừa? Không ít người đã so sánh với nước Trung Hoa rộng lớn mà số bộ, ngành của họ lại không nhiều hơn ta. Thậm chí so sánh với những quốc gia Châu âu có nội các chỉ được thiết kế từ 15-17 ghế ngồi… Mọi sự so sánh đều là khập khiễng. Chúng ta không thiết kế mô hình nhà nước vừa tập quyền lại vừa phân quyền mạnh mẽ như nước Trung Hoa rộng lớn, xã hội dân sự nước ta cũng chưa đủ trưởng thành như xã hội dân sự ở nhiều quốc gia Châu Âu, nên mọi ý đồ mô phỏng bộ máy Chính phủ của người đều là phi hiện thực. Chúng ta chỉ có thể thiết kế mô hình Chính phủ dựa trên những điều kiện đặc thù của Việt Nam. Tất nhiên, một sự tham khảo là cần thiết để tránh chuyện một mình một phách. Ví dụ, chúng ta đã gia nhập WTO và gần như bắt buộc phải có các thiết chế tương đồng với các nước trong tổ chức này để khi cần thì tham gia các công việc chung.
Từ “Chính phủ chèo thuyền” chuyển sang “Chính phủ cầm lái” là một quá trình gọn nhẹ hóa bộ máy trên cơ sở giảm tải các công việc cụ thể để tập trung vào hoạch định chính sách và điều tiết vĩ mô. Điều tất yếu của quá trình này là việc sáp nhập các bộ, ngành gần gũi về chức năng cũng như giảm những bộ, ngành phụ trách lĩnh vực chuyên môn hẹp, đến việc quyết định sự tồn tại của những bộ, ngành phụ trách lĩnh vực mà xã hội dân sự có thể đảm nhiệm. Một câu hỏi nên đặt ra vào lúc này là Chính phủ có sẵn sàng chuyển giao phần lớn các công việc chuyên môn cho xã hội dân sự và xã hội dân sự đã sẵn sàng đảm nhiệm những công việc ấy chưa? Đây cũng là một câu hỏi không dễ trả lời. Vì nói đến cải tổ, nói đến tái cơ cấu là nói đến giảm biên chế hành chính, đụng chạm đến quyền lợi của một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức. Nói đến tái cơ cấu cũng là nói đến đổi mới tư duy, sàng lọc và luân chuyển các vị trí trong bộ máy. Sự lớn mạnh của khối kinh tế tư nhân và các tổ chức xã hội trong thời gian vừa qua cho thấy xã hội dân sự đang mạnh lên và đủ sức thực hiện các dịch vụ công. Việc tư nhân đầu tư làm một cây cầu, một con đường, thậm chí là một nhà máy thủy điện đã trở thành hiện thực. Đó là những việc mà trước đây chỉ có nhà nước mới làm được. Vậy thì, các bộ đang chủ quản hàng trăm doanh nghiệp đã sẵn sàng chuyển giao cho xã hội chưa? Tại sao quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lại chậm chạm và còn không ít những sai sót? Vì vậy, chuyện tái cơ cấu Chính phủ trong lúc này chính là việc phân định lại chức năng của Chính phủ trên cơ sở “chia việc” giữa Chính phủ và xã hội dân sự. Trên cơ sở đó mới có thể thiết kế nên một bộ máy hành chính phù hợp với thực tại kinh tế- xã hội nước ta. Đây là một công việc cần sự lãnh đạo quyết liệt vì quá trình thực hiện nó chắc chắn sẽ có sự đụng độ giữa các cơ cấu lợi ích.
Phương Lê