Ra số đầu tiên
Bấy giờ, Quốc hội có tập san Thông tin Quốc hội do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà Nước Nguyễn Việt Dũng làm Tổng Biên tập. Gọi là tập san nhưng chủ yếu in văn kiện, không có bài vở, tin tức. Khi tách Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà Nước, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội mới bàn phải có kênh thông tin chính thức cho quốc dân đồng bào biết tình hình hoạt động của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, như vậy phải nâng tập san lên thành tạp chí (tập san vẫn giữ 3 tháng/kỳ). Bấy giờ tôi đang công tác tại Vụ Tổng hợp, do có kinh nghiệm làm báo trước đó nên được tín nhiệm cử về làm Tổng Biên tập tạp chí.
“Tôi nghĩ, viết báo, làm báo chính trị - viết về Quốc hội, Hội đồng Nhân dân để hay, thu hút được người đọc là không dễ dàng. Có thể nói, trên Báo Đại biểu Nhân dân đã có không ít bài viết hay, nhưng cùng với việc giữ vững bản sắc của một tờ báo của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, các bạn cần luôn có sự đổi mới để thông tin nhanh nhạy hơn, sắc nét và hấp dẫn hơn”.
Tổng biên tập Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân Nguyễn Ngọc Thọ
Việc đầu tiên là phải nghĩ tên. Tôi trao đổi với Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, quyết định đặt là tạp chí Người Đại biểu Nhân dân. Dùng chữ “người” tức là cụ thể hóa vai trò của Quốc hội, cụ thể hóa vai trò đại biểu của nhân dân. Măng - sét Người Đại biểu Nhân dân được duyệt và thông qua, đánh dấu thắng lợi đầu tiên.
Khổ nỗi làm thế nào để ra tạp chí? Có tên rồi, nhưng tiền không có, nhân viên cũng không... Ông Nguyễn Hồng Đức từ Vụ Tổng hợp sang làm trợ lý cho tôi nhưng chưa làm báo bao giờ, nên chỉ có thể chạy việc hành chính, tổ chức.
Rồi đến tìm đề tài cho số đầu tiên, cũng khó vô cùng. Tạp chí với chức năng nghiên cứu chuyên ngành là chính, nên tập trung về sinh hoạt của Quốc hội, bàn về dân chủ trong Quốc hội, hoạt động của Hội đồng Nhân dân… Từ đó, đặt bài cộng tác viên là các chuyên gia, nhà nghiên cứu về Quốc hội, về cơ quan dân cử. Nhưng chỉ đề cập như vậy thì “khô” quá, nên đan xen cả văn nghệ, các bài nghiên cứu khoa học… Có bài đầy đủ rồi, theo nguyên tắc Tổng Biên tập duyệt là xong nhưng tôi nghĩ mình mới đảm nhận nhiệm vụ, dù có trình độ báo chí nhưng không thể bảo đảm tốt về chính trị, nên tôi chuyển bài cho các đồng chí Vũ Mão, Nguyễn Việt Dũng đọc và cho ý kiến. Thận trọng thế đấy!
Số đầu tiên cũng phải trình bày thật hấp dẫn. Bài có nội dung chính trị không nói làm gì, còn bài văn nghệ cần có tranh minh họa. Tôi từng học vẽ 3 năm nên trực tiếp minh họa cho tạp chí. Riêng trang bìa, tôi và đồng chí Đức xuống Nhà máy Dệt kim Đông Xuân - bấy giờ là đơn vị nổi tiếng có nhiều thành tích, chụp một nữ công nhân đang làm việc. Nữ công nhân ấy mới được bầu là chiến sĩ thi đua của nhà máy, lại xinh đẹp, nên rất thích hợp. Trước khi đưa in, tôi lại chuyển cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội xem, các vị bảo được, lúc ấy mới yên chí.
Bây giờ báo in thoải mái nhưng ngày đó in trên bìa giấy purse, giấy bóng, yêu cầu phải dày, cứng, in 4 màu, một bìa như thế tốn cũng khá nhiều tiền. Nhưng chúng tôi xác định, số đầu tiên phải gây ấn tượng, nếu không sau chẳng ai mua. Số lượng in cũng là vấn đề. Trước đây in Tập san Thông tin Quốc hội chỉ vài trăm bản, giờ tạp chí thì in bao nhiêu? Tính không khéo là “chết”, vì tiền chỉ có thế, in ra không bán được là mất hết. Chúng tôi “liều mạng” in 8.000 bản. Nhẩm tính thế này, hệ thống Hội đồng Nhân dân từ Trung ương đến địa phương là 12.000 đơn vị, cứ cho là xuống tận xã, mỗi xã lấy 1 cuốn, họ trả tiền mình vẫn hoàn vốn để in tiếp.
Tạp chí in xong, đưa về trụ sở Văn phòng Quốc hội ở 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Mọi người đổ xô đến xem, từ cán bộ, nhân viên, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cả Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước Nguyễn Việt Dũng, ai nấy đều hể hả, thích thú.
Khó mấy cũng phải duy trì
Sung sướng vô cùng cho số báo đầu tiên, phát hành xuống tận cấp xã, 8.000 bản được bán hết, lại có lãi. Đấy là động lực cho chúng tôi bắt tay làm số thứ hai. Lúc đó mới tăng cường hai phóng viên là Hồ Anh Tài, Nguyên Thành, tức tạp chí có tất thảy 4 người. Số này tôi quyết định in 1 vạn cuốn, nhưng sau 3 tháng bị trả về 6.500 cuốn, tức là mất già 2/3 số tiền đầu tư!... Thì ra, phát hành xuống xã, phường, nhưng nhân viên bưu điện lại “đút” tất vào ngăn kéo chứ không đưa tận tay đại biểu, thành ra hết 3 tháng lại đem trả Trung ương. Thất bại đầu tiên, nặng nề, căng thẳng và buồn! Tôi nhớ mình phải vời một bà bán hàng rong đến, nhờ rao bán giúp, thu về được 95.000 đồng! Xót lắm!
Tôi sang Bộ Tài chính vay tiền nhưng không được nữa, song vẫn phải tìm cách làm số thứ ba. Cần thiết kế hệ thống phát hành chắc chắn thì mới bảo đảm số ra đều đặn, để thông tin đến được từng đại biểu. Tôi lên xin ý kiến Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, rằng phải có công văn chính thức cho Hội đồng Nhân dân các cấp trích quỹ mua Tạp chí Người Đại biểu Nhân dân phát cho đại biểu. Đồng chí Vũ Mão tán thành ngay. Vậy là có hơn 1 vạn đầu mối đón đọc tạp chí trên cả nước.
Từ đấy, tạp chí nâng dần số lượng phát hành, có lúc lên tới 2,5 vạn bản. Mới nói, làm báo thì ít mà suy nghĩ để tổ chức báo thì nhiều. Suốt quá trình ấy, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Nhà nước luôn theo sát, góp ý để tờ báo đi đúng hướng.
Từng câu chuyện nhỏ, từng chi tiết nhỏ, trong mỗi bước đi có sung sướng, tự hào nhưng cũng có khổ cực, thất bại, đau xót… Nhắc lại kỹ vậy, chẳng phải tôi muốn “than nghèo kể khổ” về một thời, mà để nhìn lại, chúng ta sẽ ngẫm được điều gì đó cho tờ báo hôm nay.