Trong buổi giao lưu tại Hà Nội với đoàn của Hội Hữu nghị Đức - Việt tháng 11.2023, đại diện của Hội đã trao tặng nhà văn Hồ Anh Thái ấn bản tiếng Đức, tập hợp nhiều truyện ngắn của ông. Đây là số tạp chí chuyên đề về một tác giả, với phần mỹ thuật sử dụng một số bức tranh của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm.
Tạp chí chuyên đề lần này giới thiệu một số tác phẩm qua những thời kỳ sáng tác của nhà văn Hồ Anh Thái. Hai người dịch là giáo sư văn học Günter Giesenfeld và bà Marianne Ngo, những dịch giả giàu kinh nghiệm trong việc dịch văn chương Việt Nam ra tiếng Đức. Nhiều năm qua, hai người đã dịch và cho xuất bản những tuyển tập của một số nhà văn nhà thơ như Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp… trong đó bản dịch tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ của Lê Minh Khuê đoạt giải bản dịch xuất sắc của Litprom, Hội cổ súy dịch văn chương ở CHLB Đức.
Trong lời tựa cho tập truyện ngắn của nhà văn Hồ Anh Thái, GS. Günter Giesenfeld trình bày cách tuyển chọn của ông nhằm mang đến một cái nhìn khá bao quát quá trình sáng tác cũng như sự đang dạng trong giọng điệu của nhà văn. Truyện Mảnh vỡ của đàn ông là đề tài ảnh hưởng của chiến tranh còn lại trong tâm hồn con người thời hậu chiến với hình thức truyện ngắn kinh điển. Món tái dê và Vẫn tin vào chuyện thần tiên là những truyện sử dụng phương pháp hiện thực kỳ ảo để tô đậm hơn yếu tố hiện thực. Sắp đặt là một thể nghiệm hiện đại khi dùng văn chương để thể hiện mỹ thuật sắp đặt (installation). Bên cạnh giọng điệu hiện thực nghiêm ngặt như Cuộc săn đuổi, Mỗi người rẽ về một lối là những truyện mang màu sắc hài hước như Rác và yêu, Món tái dê, Vẫn tin vào chuyện thần tiên…
Từ góc độ người dịch đồng thời là một giáo sư văn học, ông Günter Giesenfeld viết:
“Hồ Anh Thái là một trong những nhà văn đương đại nổi tiếng nhất ở Việt Nam hiện nay, ông được coi là đại diện tiêu biểu của thế hệ các nhà văn thời hậu chiến. Đó là những nhà văn mà tác phẩm của họ không còn nặng về những trải nghiệm chiến tranh nữa.
Đề tài mà ông quan tâm phần lớn là những cố gắng, nỗ lực của thế hệ sau chiến tranh, để tạo lập một sự phục hồi cho bản thân, trong sự khởi đầu chung của đất nước, mang tính chất của một cuộc hồi sinh…
Theo thời gian, Hồ Anh Thái xây dựng cho mình một phong cách viết rất riêng, thể hiện nội dung bằng phương pháp hiện đại. Có những truyện ngắn của ông được viết dưới góc nhìn của ngôi thứ nhất, thế nhưng ở đó “người kể chuyện”, bằng thủ pháp trào phúng, châm biếm, luôn giữ được khoảng cách với các sự kiện mà họ và các nhân vật khác tham gia vào…
Tác phẩm của Hồ Anh Thái ngày càng được thể hiện một cách trẻ trung và mới mẻ, văn phong của ông theo thời gian cũng đậm tính trào phúng, hài hước. Những tiểu thuyết và truyện ngắn của ông thường gây nhiều tranh cãi và được người đọc hưởng ứng rộng rãi.
Một khía cạnh nữa trong sáng tác của ông giai đoạn này, đặc biệt là tiểu thuyết, cũng cần được nhắc tới ở đây, đó là sử dụng yếu tố kỳ ảo kết hợp với sự tả thực, đôi khi được chủ ý phóng đại, các xu hướng vận động và phát triển của xã hội Việt Nam thời kỳ Đổi mới, đi cùng với sự xuất hiện của văn hóa tiêu dùng tư bản chủ nghĩa và những quan niệm về giá trị của phương Tây…
Sách của Hồ Anh thái hầu hết được phát hành với số lượng lớn. Thành công mà ông có được một phần do tác giả kiềm chế việc sử dụng những hình thức và cấu trúc văn chương phức tạp, mà hướng vào việc xây dựng một văn phong tươi mới và hiện đại. Tác phẩm của ông giờ đây đã được biết tới ở bên ngoài đất nước, được dịch ra trên 10 ngôn ngữ. Từ 2009 một số truyện ngắn của ông cũng đã được xuất bản bằng tiếng Đức, trong Viet Nam Kurier, tạp chí của Hội hữu nghị của CHLB Đức với Việt Nam”…
Đại diện của Hội Hữu nghị với Việt Nam cho biết, trong Hội chợ quốc tế Nuremberg và Hội chợ sách quốc tế Frankfurt 2023 vừa qua, ấn bản truyện ngắn của Hồ Anh Thái đã được phát hành với một số lượng khả quan.