Ngày càng rộng và nhanh chóng
Năm 2016, nhà văn Vũ Ngọc Tiến lên tiếng vì bị xâm hại bản quyền Tuyển tập truyện ngắn Vũ Ngọc Tiến khi ông bất ngờ phát hiện tác phẩm của mình xuất hiện trên thư viện sách và tạp chí điện tử Waka với giá 10.000 đồng/ebook.
Đây chỉ là một câu chuyện vi phạm tác quyền khiến văn đàn dậy sóng. Thực tế, tình trạng xâm phạm quyền tác giả văn học đã lan rộng, từ chuyển tác phẩm sang hình thức truyền tải khác mà không xin phép đến sử dụng toàn bộ hoặc một phần cốt truyện làm phim điện ảnh hoặc sân khấu...
Cách đây không lâu, trường hợp truyện ngắn Mười ba bến nước của nhà văn Sương Nguyệt Minh được biên kịch thành vở kịch Bến nước thời gian (Nhà hát Tuổi trẻ) nhưng không nhắc đến tác giả văn học. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng từng lên tiếng về vở kịch Khát vọng (Nhà hát Kịch Việt Nam) chuyển thể từ truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông mà tên tác giả hoàn toàn “biến mất”…
Thậm chí, trên văn đàn còn có việc tác giả trẻ “nhái” tác phẩm của các nhà văn tên tuổi. Đơn cử năm 2019, Báo Người lao động Chủ nhật (số ra ngày 26.5) đăng truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng dự cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề Người lao động hôm nay. Sau khi truyện in, Ban Tổ chức nhận được phản ánh của bạn đọc và thông báo: sau khi đọc lại và so sánh hai văn bản, Ban Tổ chức nhận thấy truyện Biến mất của Kai Hoàng có tứ truyện, nội dung và nhiều tình tiết gần như sao chép từ truyện Những biển của Nguyễn Ngọc Tư in trong tập truyện ngắn Cố định một đám mây, NXB Đà Nẵng ấn hành năm 2018).
Các vụ việc trên sau đó đều được giải quyết bằng thỏa thuận giữa các bên. Trường hợp truyện ngắn Biến mất của Kai Hoàng thì bị loại khỏi cuộc thi.
Môi trường kỹ thuật số còn khiến việc xâm phạm bản quyền tác giả văn học trở nên phức tạp hơn. GS. Phong Lê cho biết, thời gian gần đây, với sự bùng nổ của công nghệ, hàng loạt “phiên bản điện tử” các tác phẩm của Ngô Tất Tố như Tắt đèn, Lều chõng, Việc làng, Tập án cái đình, Kinh dịch và khá nhiều bài tản văn… liên tiếp xuất hiện trên các trang mạng. “Các bản này khi số hóa đều dựa vào các bản in giấy vốn sẵn có sai lệch nên những lỗi sai lại có dịp lan truyền ngày càng rộng và nhanh chóng”.
Tác giả phải lên tiếng mạnh mẽ hơn
Giám đốc Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Hoàng Hải nhận định, vấn đề vi phạm bản quyền trên không gian mạng vô cùng tinh vi với nhiều hình thức khác nhau. “Gần đây, chúng tôi phát hiện một số trang web đặt máy chủ ở nước ngoài vi phạm bản quyền về truyện tranh. Đã có một số tổ chức Nhật Bản làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông phản ánh vi phạm về truyện tranh trên không gian mạng gây thiệt hại hàng trăm triệu USD cho đơn vị sở hữu bản quyền". Theo ông Phạm Hoàng Hải, vấn đề này còn nhiêu khê hơn do khó xác định các chủ thể và hành vi vi phạm trong môi trường xuyên biên giới.
Những quy định về quyền tác giả đã được đặt ra từ lâu (theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005, sửa đổi năm 2009, 2019, 2022). Trong đó, với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ có hiệu lực từ ngày 1.1.2023, các quy định về quyền nhân thân và quyền tài sản được sửa đổi, bổ sung rõ ràng tại khoản 5, Điều 1 của Luật.
Theo đó, quyền nhân thân bao gồm: (1) Đặt tên cho tác phẩm; (2) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; (3) Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; (4) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Theo các chuyên gia, để giải quyết rốt ráo vấn đề vi phạm quyền tác giả trong lĩnh vực văn học, cùng với việc tăng cường thực thi luật pháp, công nghệ sẽ là chìa khóa bảo vệ tác quyền trên nền tảng số. Đồng thời, công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức về bản quyền cần được đẩy mạnh. Độc giả cần hiểu rõ giá trị của việc tôn trọng quyền tác giả không chỉ về mặt pháp lý mà còn ở khía cạnh đạo đức và văn hóa. Đặc biệt, quan trọng nhất là bản thân tác giả cần tích cực hơn trong đăng ký bản quyền và trang bị kiến thức về quyền tác giả.
“Đã đến lúc nhà văn phải lên tiếng về vấn đề này một cách mạnh mẽ hơn nữa”. Trên nhiều diễn đàn, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nhiều lần nhấn mạnh như vậy. Nhiều ý kiến nhận định, thái độ thờ ơ và xuê xoa của các nhà văn đã vô hình bao che cho hành vi vi phạm bản quyền. Sự im lặng hay cho qua một cách dễ dàng của chính tác giả là yếu tố gián tiếp làm cho tình trạng vi phạm bản quyền gia tăng.
Trên thực tế, việc lên tiếng mạnh mẽ về quyền tác giả trong lĩnh vực văn học nói riêng, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội nói chung không chỉ là bảo vệ quyền lợi cá nhân mà còn là góp phần xây dựng đời sống văn minh, thượng tôn pháp luật. Điều này góp phần xây dựng một nền văn học bền vững và sáng tạo hơn trong tương lai.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)