Không chỉ lớn nhất về quy mô, hội nghị còn có sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND nhiều tỉnh, thành phố và lãnh đạo các ban, bộ, ngành có liên quan. Công tác chuẩn bị cho hội nghị cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tiến hành bài bản, kỹ lưỡng, từ việc tổng hợp, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ rõ những việc còn hạn chế, những việc đã có chuyển biến nhưng vẫn còn chậm, những bài học kinh nghiệm quý, những mô hình tốt có thể chia sẻ, lan tỏa đến việc xác định các phương hướng đổi mới và nhiệm vụ trọng tâm để HĐND ngày càng thực hiện hiệu quả hơn nữa vai trò hiến định của mình.
Có thể nói rằng, vượt lên khuôn khổ của một hoạt động thường niên, hội nghị toàn quốc về công tác HĐND đã và đang khẳng định là diễn đàn quan trọng để tăng cường vai trò của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong hướng dẫn, giám sát hoạt động của HĐND cấp tỉnh. Và hơn thế, đây còn là dịp để Lãnh đạo Đảng, Chính phủ trực tiếp cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội lắng nghe ý kiến của HĐND, từ đó nắm bắt ngay những vấn đề phát sinh, xác định được vấn đề nào thuộc thẩm quyền hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Chính phủ và vấn đề nào cần phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền để có chủ trương thống nhất, kịp thời tháo gỡ cho HĐND.
Dù mới chỉ một năm kể từ Hội nghị toàn quốc đầu tiên về công tác HĐND được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam, nhưng sự chuyển biến trong hoạt động của HĐND cấp tỉnh thì đã rõ nét và có thể đo đếm được bằng những con số “biết nói”. Đó là, gần 5.900 nghị quyết đã được HĐND cấp tỉnh cả nước ban hành, trong đó có gần 1.700 nghị quyết quy phạm pháp luật. Các nghị quyết này đều được kết tinh từ trí tuệ, sự tận tụy, tinh thần trách nhiệm, luôn đặt lợi ích của người dân, vì sự phát triển của địa phương lên trên hết và trước hết của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, các đại biểu HĐND.
Đó còn là, hơn 1.100 đoàn giám sát đã được thành lập trong cả nước, truy đến cùng nhiều vấn đề nóng bỏng trong thực tiễn phát triển của địa phương; là 8.202 kiến nghị trong tổng số 11.133 kiến nghị gửi đến HĐND đã được giải quyết; là tỷ lệ giải quyết khiếu nại, tố cáo cả nước trung bình đã đạt 87,74%... Hay một con số kỷ lục khác được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến trong kết luận hội nghị là, ngoài 2 kỳ họp thường lệ, HĐND cấp tỉnh đã tổ chức thành công khoảng 200 kỳ họp chuyên đề với tinh thần nhạy bén, vì yêu cầu của cuộc sống, không nề hà họp thường kỳ hay bất thường nhưng cũng không vì gấp gáp mà giảm nhẹ yêu cầu về chất lượng.
Cùng với những kết quả rất đáng tự hào của HĐND, chiều qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã dành nhiều thời gian chia sẻ những trăn trở về những tồn tại, hạn chế trong tổ chức, hoạt động của thiết chế đặc biệt quan trọng này, đồng thời thẳng thắn chỉ rõ trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khi vừa qua mới chỉ tập trung hướng dẫn hoạt động của HĐND mà chưa thực hiện được nhiều vai trò giám sát, thậm chí, nội hàm của việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát HĐND như thế nào, phương thức giám sát, cách thức tổ chức thực hiện giám sát ra sao cũng chưa thật rõ. Về phía HĐND, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, phải tự “soi lại chính mình”, thấy được trách nhiệm của mình trong việc ban hành văn bản tổ chức thực hiện kết luận, nghị quyết của Trung ương, nghị quyết của Quốc hội; trong kỷ luật, kỷ cương hành chính công vụ, tài chính và ngân sách; trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; trong giải ngân vốn đầu tư công; trong việc để xảy ra tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; trong triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia...
Thực tiễn hoạt động của HĐND và những yêu cầu, đòi hỏi rất lớn đang đặt ra đối với HĐND đã cho thấy còn rất nhiều việc phải làm, phải rà soát, phải tiếp tục củng cố cả về khuôn khổ pháp lý, về tổ chức thực hiện, về tâm thế hoạt động... Nhưng làn gió tươi mới trong hoạt động của cơ quan dân cử các cấp được khởi lên từ những đổi mới quyết liệt của Quốc hội, sự quan tâm rất lớn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian qua, như chia sẻ của các đại biểu tại hội nghị, là "động lực rất lớn, vừa truyền cảm hứng và giữ lửa nhiệt huyết cho cơ quan dân cử và đại biểu dân cử ở địa phương” - chắc chắn sẽ còn lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để HĐND tiếp tục khẳng định thật vững chắc vị trí, vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện xứng đáng cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân ở địa phương.