Đó là chia sẻ của ông Jensen Huang, nhà sáng lập/CEO của NVIDIA tại họp báo ngay sau Lễ Công bố thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA về hợp tác thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển về trí tuệ nhân tạo (AI) của NVIDIA và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Với hơn 48.000 kỹ sư trong hệ sinh thái của NVIDIA, gần 100 doanh nghiệp về trí tuệ nhân tạo, 36 trường đại học đang hợp tác với NVIDIA - tập đoàn công nghệ số một thế giới hiện nay trong lĩnh vực công nghệ AI và bán dẫn, thì Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA là một sự kiện mang tính bước ngoặt lịch sử. Đây cũng là dấu mốc quan trọng, là cơ hội để Việt Nam trở thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu châu Á, tạo ra những đột phá cho các ngành công nghệ then chốt, đồng thời mở ra cơ hội nghề nghiệp cho đội ngũ nhân tài trong nước. Điều này thể hiện được niềm tin của doanh nghiệp nước ngoài khi xác định đầu tư vào Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên, tập đoàn sản xuất chip đắt giá nhất thế giới như NVIDIA lại xác định Việt Nam là “ngôi nhà tương lai” của mình. Đây là “quả ngọt” từ mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Hai nước đã quyết định đẩy mạnh hợp tác về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số, coi đây là đột phá mới của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ khẳng định cam kết tăng cường hỗ trợ Việt Nam đào tạo và phát triển lực lượng lao động công nghệ cao. Ngoài ra, sự lựa chọn Việt Nam là điểm đến của NVIDIA còn bởi “những ấn tượng tốt đẹp về đất nước, con người và tiềm năng của Việt Nam”.
Một đất nước hòa bình, thân thiện và mến khách là điểm cộng của Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới, cũng như của các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư chiến lược. Điều này là cần thiết, nhưng sẽ là chưa đủ nếu như chúng ta chưa thật sự tạo được một cơ chế, chính sách thu hút đầu tư đủ thông thoáng, đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện thể chế, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; cải cách triệt để thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cao nhất cho người dân và doanh nghiệp. Chủ động, tích cực, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới (nhất là những vấn đề liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…) tạo khung khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.
Để tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, trong đó có Luật Đầu tư công (sửa đổi), “một luật sửa 4 luật” về đầu tư, “một luật sửa 9 luật” về tài chính, ngân sách… nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài. Và trong chuyến thăm chính thức Cộng hòa Singapore và Nhật Bản, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhiều lần khẳng định Quốc hội Việt Nam sẽ đồng hành và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và các tập đoàn nước ngoài hoạt động hiệu quả và thành công tại Việt Nam. Khẳng định của người đứng đầu cơ quan lập pháp một lần nữa tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong tương lai.
Những nút thắt thể chế được tháo gỡ; cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư đủ hấp dẫn, cùng với đó là cam kết hành động tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất từ phía những cơ quan thực thi trên tinh thần "cùng lắng nghe, cùng chia sẻ", "vướng đâu gỡ đó". Nếu làm tốt được điều này, sẽ có nhiều hơn nữa các nhà đầu tư lựa chọn Việt Nam là “ngôi nhà thứ hai” của mình trong tương lai.