Thế nhưng, dư luận cho rằng, đánh thuế đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà, đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức để tránh gây sốc. Trước những ý kiến này, Bộ Tài chính cho biết, hiện Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản, sử dụng bất động sản. Tuy nhiên chưa có khoản thu đối với nhà trong quá trình sử dụng và chuyển nhượng bất động sản... Và để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW năm 2022 liên quan đến quản lý, sử dụng đất, theo Bộ Tài chính, cần có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản. Các giải pháp sẽ này góp phần thúc đẩy việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả. Góp phần hạn chế đầu cơ về nhà, đất, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, ổn định và bền vững…
Đề xuất đánh thuế với bất động sản nhằm hạn chế đầu cơ, điều tiết thu nhập của người mua đi bán lại bất động sản trong thời gian ngắn để kiếm lời, áp thuế với người có từ 2 căn nhà trở lên, đánh thuế với nhà đất bỏ hoang... không phải là mới và thực tế trên thế giới nhiều nước đã áp dụng biện pháp này.
Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 cũng khẳng định, đánh thuế là giải pháp có tác dụng trong trung và dài hạn, giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững. Do đó, Đoàn giám sát kiến nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, trình luật về thuế, trong đó quy định về việc đánh thuế cao với người sử dụng nhiều nhà, đất, chậm sử dụng hoặc bỏ hoang đất đai.
Như vậy có thể thấy, về lý thuyết, các “dữ liệu” để thực hiện đánh thuế với người sở hữu từ 2 nhà, đất trở lên là khá đầy đủ. Vấn đề còn lại là việc này sẽ được luật hóa như thế nào trong Luật Thuế giá trị gia tăng mới và thời điểm thực hiện sẽ như thế nào. Bởi như phân tích của một đại biểu Quốc hội thì chính sách thuế hiện nay nên khởi động và có tham vấn, có tiêu chí với các trường hợp đánh thuế cụ thể. Bên cạnh đó, việc đánh thuế nhà thứ 2 cần bảo đảm công bằng giữa nhà có diện tích nhỏ, phù hợp với nhu cầu ở của người dân với mảnh đất có diện tích lớn. Chính sách tín dụng với mua nhà đất cũng không nên cào bằng, cụ thể trong các trường hợp như vay tiền mua căn nhà thứ 2, thứ 3 trở lên có diện tích lớn phải có chế độ tín dụng khác so với những người vay mua căn nhà đầu tiên...
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, có ý kiến cho rằng, nếu mỗi người chỉ có một căn nhà, việc giá có tăng hoặc giảm cũng không quan trọng vì nhà đó chỉ để ở. Cho nên vấn đề cần xem xét đó là mục đích đầu cơ hay nhà để ở. Do đó, cần xem xét lại chính sách thuế đối với những người sở hữu từ 2 - 3 bất động sản trở lên và xem lại việc mua đi bán lại…
Đánh thuế bất động sản thứ 2 trở lên sẽ là xu hướng tất yếu không chỉ riêng tại nước ta. Thế nhưng, để có thể áp dụng đòi hỏi phải có định hướng, lộ trình rõ ràng và cần được tính toán kỹ lưỡng để phù hợp với thực tiễn thị trường, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích các bên.