Đến thời điểm này, hầu hết HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tiến hành kỳ họp thường lệ cuối năm để xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, đặc biệt là đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tháo gỡ những vướng mắc, khơi thông các điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở sự phát triển của địa phương.
Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của các tỉnh đều cho thấy “bức tranh” nhiều gam màu sáng, đà phục hồi tốt hơn, các lĩnh vực kinh tế trọng yếu đều khởi sắc hơn. Và dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước, nhưng các tỉnh đều đặt quyết tâm tăng tốc, bứt phá để hoàn thành cao nhất các mục tiêu 5 năm của địa phương mình, từ đó đóng góp hoàn thành ở mức cao nhất mục tiêu 5 năm của cả nước, tạo tiền đề, khí thế đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Để hiện thực hóa quyết tâm ấy, nhiều cơ chế, chính sách cụ thể đã được HĐND các tỉnh, thành phố ban hành tại kỳ họp cuối năm. Như với Hà Nội, tại Kỳ họp thứ 20, HĐND thành phố đã xem xét 55 nội dung, thông qua 30 nghị quyết, trong đó có 6 nội dung cụ thể hóa, triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù mà Trung ương và Quốc hội dành cho Thủ đô và các cơ chế, chính sách nhằm kịp thời bảo đảm công tác điều hành, thúc đẩy kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, an sinh xã hội của Hà Nội. Hay với TP. Hồ Chí Minh, tại kỳ họp cuối năm, HĐND thành phố đã ban hành tới 51 nghị quyết để phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục, an sinh xã hội, tổ chức bộ máy...; trong đó có 6 nghị quyết cụ thể hóa, thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh.
Diễn ra ngay sau hội nghị của Trung ương và kỳ họp của Quốc hội, có thể cảm nhận sâu sắc khí thế mới, tinh thần đổi mới, tạo đột phá mới từ Trung ương, từ Quốc hội đã lan tỏa mạnh mẽ đến cơ quan quyền lực nhà nước ở các địa phương. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, công việc đã làm được là rất lớn, rất quan trọng, nhưng chắc chắn vẫn là chưa đủ so với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương của Trung ương về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.
Quán triệt và thực hiện ngay quan điểm chỉ đạo của Trung ương, các đạo luật được Quốc hội ban hành vừa qua đã tạo nhiều "dư địa" để địa phương thực hiện phù hợp với thực tế. Tuy nhiên, việc ban hành các văn bản cụ thể để thực thi luật của các địa phương hầu như vẫn rất chậm, ngay cả với những địa phương có cơ chế đặc thù, thậm chí là có luật riêng như Hà Nội. Cụ thể, Luật Thủ đô có 89 nội dung quy định nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của HĐND thành phố trong việc cụ thể hóa quy hoạch chung xây dựng Thủ đô trong các lĩnh vực; cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, góp phần thu hút, khai thác, phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, phát huy cao nhất những tiềm năng, lợi thế của Thủ đô... Nhưng đến nay, khi chỉ còn hơn nửa tháng nữa - ngày 1.1.2025 - Luật Thủ đô sẽ có hiệu lực thi hành (trừ một số nội dung sẽ có hiệu lực muộn hơn vào tháng 7.2025), HĐND thành phố mới xem xét, ban hành được gần 20 nội dung về các lĩnh vực tổ chức bộ máy, phân cấp, ủy quyền, cơ chế quản lý, khai thác, sử dụng tài sản công... Với TP. Hồ Chí Minh cũng tương tự. Báo cáo tại Kỳ họp thứ 20 vừa qua cho thấy, để thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội, đến nay, UBND thành phố mới trình HĐND thành phố ban hành được 40 nghị quyết triển khai 21/30 nhiệm vụ, hoàn thành 15/25 nhiệm vụ. Do đó, mới chỉ có 30/44 cơ chế đặc thù đã áp dụng, còn 14 cơ chế chưa áp dụng (trong đó có 1 cơ chế đang chờ bộ, ngành bổ sung quy định, 7 cơ chế thành phố đang hoàn thiện văn bản hướng dẫn...).
Với các địa phương khác cũng có rất nhiều nhiệm vụ đã được phân cấp cho HĐND được quy định tại các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ Tám như: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (trong các dự án sử dụng đất và quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế, xem xét các dự án sử dụng tài nguyên tại địa phương); các nhiệm vụ trong Luật Đất đai mới (tăng cường vai trò giám sát của HĐND trong việc quản lý, quy hoạch và phân bổ đất đai tại địa phương), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (thẩm quyền trong việc phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công, việc sử dụng tài sản công trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp)…
Có những lý do khách quan và chủ quan khiến việc ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền để triển khai thực hiện các quy định của luật đã phân cấp, phân quyền cho địa phương bị chậm, nhưng hệ quả dễ thấy là sẽ khiến cho các quy định của luật chưa đi ngay vào cuộc sống được. Do đó, chính quyền địa phương phải tăng tốc nhanh hơn nữa, năng động hơn nữa, sáng tạo hơn nữa, phải thực sự đắm mình vào "mảnh đất thực tiễn” của địa phương mình để quyết đáp đúng, trúng, kịp thời những cơ chế, chính sách phù hợp, khả thi, tạo nền tảng cho địa phương tăng tốc, bứt phá. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ "mở ra" đến đâu thì tốc độ triển khai của bộ, ngành, địa phương phải theo kịp đến đấy. Có như vậy, chủ trương phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho địa phương mới thực sự ý nghĩa và hiệu quả.