Năm 2024 ngân sách nhà nước đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ chỉ chiếm khoảng 0,65% - không chỉ ở mức rất thấp so với yêu cầu của Quốc hội phải đạt tối thiểu từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm mà đây còn là mức thấp nhất trong những năm gần đây. Cụ thể, tỷ lệ này năm 2022 chiếm khoảng 0,93%, năm 2023 chiếm khoảng 0,73%, tức là xu hướng chi ngân sách nhà nước cho lĩnh vực này tiếp nối đà giảm dù 2024 đã là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2026 của Quốc hội.
Đánh giá đây là một trong những hạn chế lớn, kéo dài trong những năm gần đây, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trong báo cáo thẩm tra về nội dung này tại Kỳ họp thứ Tám cũng đã chỉ rõ nhiều tồn tại, vướng mắc chưa được tháo gỡ kịp thời như: vướng mắc về giao quyền sử dụng hoặc sở hữu tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc trong việc định giá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về phân chia lợi nhuận thu được từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ được tạo ra từ nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước; vướng mắc về thành lập doanh nghiệp khởi nguồn trên cơ sở nghiên cứu của đơn vị sự nghiệp công lập; vướng mắc trong cơ chế góp vốn và tổ chức hoạt động của doanh nghiệp dạng khởi nguồn công nghệ (spin-off) từ viện nghiên cứu, trường đại học.
Cùng với đó là những bất cập, vướng mắc trong khoán chi, đấu thầu, thanh toán, quyết toán, khuyến khích các doanh nghiệp trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, chưa thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp trong việc đầu tư cho nghiên cứu khoa học, phát triển và đổi mới công nghệ... nên chưa khơi thông được nguồn lực tài chính ngoài nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ.
Về mặt thể chế, có thể thấy, Chính phủ đã nỗ lực rà soát, sửa đổi, tháo gỡ các rào cản trong chính sách, pháp luật về kinh tế, tài chính, đầu tư, đấu thầu với pháp luật về khoa học, công nghệ theo hướng phù hợp hơn với cơ chế thị trường, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, độ trễ trong nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo thông lệ quốc tế. Một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để thúc đẩy sự phát triển của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng đã được nghiên cứu, xây dựng trong các luật, nghị quyết.
Tuy vậy, từ những vướng mắc trong thực tiễn và trước yêu cầu thực hiện quyết liệt công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số, xã hội số… chuẩn bị các điều kiện đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới thì phải khẩn trương hơn nữa trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Tại Nghị quyết số 158/2024/QH15 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Quốc hội cũng đặc biệt yêu cầu Chính phủ, các cơ quan phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; có chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả sử dụng Quỹ phát triển khoa học, công nghệ của doanh nghiệp; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phong trào khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; phát huy hiệu quả của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia gắn với hình thành và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và tăng cường kết nối, hợp tác với thế giới, khu vực; phấn đấu năm 2025 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII)...
Và như vậy, cùng với các luật quan trọng liên quan đến lĩnh vực này đã được Chính phủ, Quốc hội tập trung sửa đổi, ban hành từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay (như Luật Viễn thông, Luật Dữ liệu, Luật Thủ đô, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp…), các dự án luật vừa được Quốc hội xem xét, thảo luận tại Kỳ họp thứ Tám (như dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật...), các cơ quan cần khẩn trương trình Quốc hội xem xét, sửa đổi các Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… và một số luật liên quan để đồng bộ hóa hệ thống pháp luật với tinh thần thực sự "cởi trói" cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.