Trung Quốc đứng trước nghị quyết lịch sử thứ ba

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:48 - Chia sẻ
Một nghị quyết lịch sử kỳ vọng sẽ được thông qua trước khi bế mạc Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản (ĐCS) Trung Quốc Khóa XIX, diễn ra từ 8 - 11.11. Theo giới chuyên gia, nghị quyết thứ ba trong lịch sử ĐCS này sẽ định hình tình hình chính trị và xã hội Trung Quốc trong nhiều thập kỷ tới và sẽ có tác động nhất định đến thế giới.

Tại hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình thay mặt Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương ĐCS Trung Quốc báo cáo công tác của Bộ Chính trị và thúc đẩy thảo luận một dự thảo nghị quyết quan trọng về những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử 100 năm của ĐCS Trung Quốc, cũng như xác định phương hướng của Đảng trong vài thập kỷ tới. Nếu được thông qua, đây sẽ là lần thứ ba ĐCS Trung Quốc ban hành một nghị quyết mang tính lịch sử. Hai nghị quyết có sức ảnh hưởng lớn trước đó được đưa ra vào các năm 1945 và 1981. Văn kiện nói trên cũng được công bố tại sự kiện chính trị lớn đầu tiên sau lễ kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc (1921 - 2021).

	Hội nghị toàn thể BCH Trung ương Đảng là cơ hội để thể hiện sự thống nhất giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc. Ảnh Tân Hoa Xã
Hội nghị toàn thể BCH Trung ương Đảng là cơ hội để thể hiện sự thống nhất giữa các nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.
Ảnh Tân Hoa Xã

Nghị quyết lịch sử là gì?

Nghị quyết lịch sử là những bản tóm tắt chính thức về lịch sử của ĐCS Trung Quốc từ khi thành lập năm 1921 cho đến khi nghị quyết được công bố, đề cập đến các nhân vật chính trị hàng đầu, những thành tựu chính, bài học kinh nghiệm và định hướng cho các chính sách trong tương lai.

Các nghị quyết này chủ yếu do lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc soạn thảo, sau đó được Ủy ban Trung ương Đảng thảo luận. Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, Ủy ban Trung ương ĐCS Trung Quốc thường tổ chức 7 phiên họp toàn thể, và các nghị quyết trước đây cũng đã được ban hành tại phiên họp toàn thể lần thứ 6, thường tập trung vào công tác tư tưởng và xây dựng đảng.

Các nghị quyết trước đã xem xét điều gì?

Có thể nói, cả hai nghị quyết lịch sử trước kia được ban hành sau những giai đoạn phức tạp trong lịch sử của ĐCS Trung Quốc, tại các bước ngoặt mang lại cho các nhà lãnh đạo cơ hội để giải thích những câu chuyện lịch sử quan trọng và các chính sách của những người tiền nhiệm, đồng thời vạch ra một lộ trình hành động trong tương lai.

“Nghị quyết về một số câu hỏi trong lịch sử Đảng ta” của Mao Trạch Đông được đưa ra năm 1945 sau một cuộc chỉnh đốn về chính trị và ý thức hệ trong Đảng. Nghị quyết tóm tắt các vấn đề nổi cộm trong ĐCS Trung Quốc trong hai thập kỷ trước đó, nêu lại các chính sách trong quá khứ của các cựu lãnh đạo; thúc đẩy việc thực hành “tự phê bình” đối với đảng viên bị coi là mắc sai lầm.

Vào năm 1981, Đặng Tiểu Bình cho thông qua nghị quyết lịch sử thứ hai có tên “Nghị quyết về một số câu hỏi trong lịch sử Đảng ta kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”. Nghị quyết này tập trung vào cuộc Cách mạng Văn hóa 10 năm do Mao Trạch Đông khởi xướng và hệ thống lại học thuyết, tư tưởng Mao Trạch Đông. Trong nghị quyết của mình, Đặng Tiểu Bình chỉ trích "những sai sót" của Mao Trạch Đông trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa từ năm 1966 đến năm 1976. Ông cũng đưa ra tầm nhìn của mình về sự phát triển của đảng, đề xuất một hình thức lãnh đạo tập trung, đồng thời đặt nền tảng cho các cải cách kinh tế và thị trường. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh Tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn là hệ tư tưởng chỉ đạo của Đảng, nói rằng “những đóng góp của ông Mao Trạch Đông cho cuộc cách mạng Trung Quốc vượt xa những sai lầm của ông ấy”.

Nghị quyết lịch sử thứ ba có ý nghĩa như thế nào?

Theo Tân Hoa xã, nghị quyết mới sẽ định hướng cách thức giảng dạy và miêu tả lịch sử Trung Quốc, đồng thời khẳng định sự thành công mà các chính sách của Trung Quốc đã mang lại dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình. Chương trình nghị sự của hội nghị được giữ kín và thông cáo về cuộc thảo luận cũng như các nghị quyết chỉ được công bố sau khi sự kiện kết thúc.

Hội nghị toàn thể lần thứ 6 cũng tạo tiền đề cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX sẽ diễn ra năm 2022, thời điểm ông Tập Cận Bình được cho là sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo nhiệm kỳ thứ ba, củng cố vị trí là một trong những nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Trước thềm hội nghị, Tân Hoa xã mô tả Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình là người có tư duy và cảm xúc sâu sắc, một người thừa kế di sản nhưng dám đổi mới và có tầm nhìn tương lai, làm việc không mệt mỏi.

Ông Yang Xuedong, giáo sư khoa học chính trị tại Trường Đại học Thanh Hoa, nói với tờ Global Times: "Nghị quyết thứ ba rất được mong đợi vì việc ĐCS Trung Quốc đạt được đồng thuận về các vấn đề lịch sử và truyền cảm hứng cho các đảng viên hoàn thành nhiệm vụ là điều rất quan trọng”. Theo ông Yang, nghị quyết này dự kiến bao gồm nhiều nội dung hơn so với 2 lần trước nhằm tổng kết lịch sử 100 năm của ĐCS Trung Quốc.

Khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã nêu ra “2 mục tiêu trăm năm”: Mục tiêu thứ nhất là đưa Trung Quốc trở thành một xã hội toàn diện khá giả vào năm 2021, thời điểm đánh dấu 100 năm kể từ khi ĐCS Trung Quốc được thành lập; và mục tiêu thứ hai là đưa Trung Quốc trở thành một “quốc gia xã hội chủ nghĩa hiện đại về mọi mặt” vào năm 2049, thời điểm đánh dấu 100 năm kể từ khi Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Trước đó, trong bài phát biểu kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCS Trung Quốc hôm 1.7, Tổng Bí thư Tập Cận Bình nhấn mạnh, Bắc Kinh đã hoàn thành “mục tiêu 100 năm” đầu tiên và đang tiến những bước hướng đến “mục tiêu 100 năm” thứ hai. Để hiện thực hóa bước thứ hai của tiến trình trẻ hóa đất nước, nền kinh tế thứ hai thế giới cần hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa một cách cơ bản vào năm 2035 và phấn đấu trở thành nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, thịnh vượng, giàu mạnh, dân chủ, văn hóa tiên tiến vào giữa thế kỷ XXI, khoảng năm 2049.

Đạt Quốc