Trưng bày được phối hợp tổ chức bởi Lotus Gallery, Bảo tàng Nghệ thuật Quang San - Quang San Art Museum và Annam Gallery. Theo Ban tổ chức, trước khi Trường Mỹ thuật Đông Dương xuất hiện tại Hà Nội năm 1925, sơn mài Việt Nam chủ yếu phát triển như một ngành thủ công truyền thống, gắn bó mật thiết với đời sống văn hóa tín ngưỡng của người Việt. Sơn mài thời kỳ này thiên về tính ứng dụng và chưa được định danh như một loại hình nghệ thuật độc lập.
Tại Trường Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được khuyến khích rời xa lối trang trí rập khuôn để khai thác các chủ đề hiện đại, từ đời sống thường nhật đến phong cảnh và cảm xúc cá nhân, thay vì chỉ giới hạn ở họa tiết truyền thống. Quy trình đắp sơn nhiều lớp và mài nhiều lần để tạo hiệu ứng thị giác với độ sâu đặc trưng của sơn mài cũng được khám phá.
Từ đó, sơn mài chuyển mình từ cái mác mỹ nghệ để trở thành chất liệu độc tôn, phát triển thành một trường phái hội họa đặc trưng cũng như mở ra một bước ngoặt mới cho lịch sử Mỹ thuật Việt Nam.
Sơn mài đã trải qua một hành trình không ngừng biến chuyển, từ chất liệu bình dân đã được nâng lên vị trí duy tôn của hội họa Việt. Mỗi bước tiến của sơn mài đều phản ánh sự thay đổi của tư tưởng, cũng như nhu cầu khẳng định bản sắc riêng của nghệ thuật trong bối cảnh Việt Nam gia nhập dòng chảy nghệ thuật toàn cầu.
Trưng bày 100 năm sơn mài giới thiệu các tác phẩm của họa sĩ Bùi Ngọc Tư, Phạm Lực, Tào Tuấn Linh... sẽ mở cửa tham quan từ nay đến hết ngày 26.1, tại Lotus Gallery, tòa nhà C.space, 12 - 13 Đường N1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, thành phố Hồ Chí Minh.