Việc tổ chức lễ hội truyền thống nhằm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các bậc tiên đế, các bậc tiền nhân có công với dân. Đồng thời, khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Theo đó, thành phố Hà Nội yêu cầu các địa phương tổ chức lễ hội phải an toàn, tiết kiệm, trang trọng, thiết thực, hiệu quả; không để xảy ra các hoạt động mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, các hoạt động có nguy cơ mất an ninh, trật tự và đoàn kết trong cộng đồng dân cư; tổ chức lễ hội phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương. Các hoạt động tại lễ hội phải có kịch bản chi tiết, nội dung chương trình phong phú, hấp dẫn.
Các lễ hội được tổ chức trang nghiêm, trọng thể về phần lễ, đa dạng và phong phú về phần hội, tạo ra được các sản phẩm văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, bảo đảm yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống gắn với các yếu tố hiện đại của thời đại; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh môi trường trong lễ hội.
Đối với các lễ hội cấp quận, huyện, thị xã, cần tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đặc biệt quan tâm đầu tư kịch bản nghệ thuật trong phần hội để lễ hội trở thành các sản phẩm công nghiệp văn hóa phục vụ phát triển văn hóa, xã hội của địa phương.
Thành phố Hà Nội yêu cầu, 100% di tích và lễ hội được tổ chức trong năm 2025 đảm bảo tiêu chí “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp - Văn minh - An toàn - Tiết kiệm”. Các địa phương phải công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị mình về Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Cấp thành phố, số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân và du khách là 0965404557.
Về công tác tuyên truyền, thành phố yêu cầu các địa phương thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị của di tích và lễ hội truyền thống, quảng bá giới thiệu về văn hóa, con người, về tiềm năng, thế mạnh của địa phương; tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, việc giữ gìn và thực hiện vệ sinh môi trường tại lễ hội “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”; các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau lễ hội.
Thành phố sẽ kịp thời thông tin công khai các địa phương tổ chức tốt và chưa tốt, để xảy ra các vi phạm trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn Thành phố năm 2025 trên ứng dụng iHanoi.
Hà Nội sẽ thành lập các đoàn để tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội. Thành phố tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình tiêu biểu thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.