Bộ sách là kết quả của giai đoạn 2 dự án văn hóa lịch sử “Nghiên cứu, sưu tầm, xuất bản và lưu giữ những giá trị văn hóa - lịch sử của người Chăm Việt Nam”, do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh chủ trì, PGS.TS. Trương Văn Món chủ nhiệm.
Bộ sách gồm 3 tập: Tập 1 - “Từ gốm Sa Huỳnh đến gốm Champa”; Tập 2 - “Nghệ thuật dệt, hoa văn, màu sắc và trang phục”, và Tập 3 - “Nghề đan lát mây tre, làm công cụ săn bắt, sản xuất, phương tiện di chuyển và nhạc cụ”. Với góc nhìn đa chiều, công trình không chỉ giới hạn ở việc nghiên cứu lý thuyết mà còn đi sâu tìm hiểu thực tiễn, từ đó mang đến bức tranh toàn cảnh về nghề thủ công truyền thống Champa.
Qua đó, bộ sách giúp độc giả có cái nhìn sâu sắc hơn về sự tinh tế, khéo léo của nghệ nhân trong việc tạo ra những sản phẩm gốm, đan lát, dệt, nhạc cụ… vừa mang tính ứng dụng cao, vừa chứa đựng những giá trị thẩm mỹ và văn hóa độc đáo. Bộ sách không chỉ là một tài liệu tham khảo quý giá cho các nhà nghiên cứu mà còn dành cho những ai quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
PGS.TS. Trương Văn Món, tác giả bộ sách - một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử và văn hóa dân tộc Champa cho biết, bộ sách là quá trình nghiên cứu lâu dài, được thực hiện từng phần từ năm 1998 đến nay. Ông đã hoàn thành dự án này với niềm tự hào và tình cảm mãnh liệt dành cho dân tộc Champa, với hy vọng qua bộ sách này, độc giả có thể tiếp cận văn hóa, đặc biệt là các ngành nghề thủ công truyền thống của dân tộc Champa.