Sinh ra và lớn lên tại làng Hạ Thái (Hà Nội) - cái nôi của nghệ thuật sơn mài truyền thống, Nguyễn Đình Văn may mắn được nuôi dưỡng trong một gia đình nghệ sĩ. Là con trai của hai họa sĩ gạo cội Nguyễn Văn Bảng và Nguyễn Thị Tiến, anh được lớn lên trong không gian tràn ngập màu sắc, ánh vàng, ánh bạc và những đặc trưng của sơn mài. Vì thế, từ nhỏ, anh đã sớm bộc lộ niềm đam mê cháy bỏng với nghệ thuật này.
Nguyễn Đình Văn chia sẻ sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định theo đuổi nghệ thuật và thử nghiệm trên rất nhiều chất liệu khác nhau như sơn dầu, lụa, in gỗ, khắc gỗ, khắc kẽm, in đá... Tuy nhiên, nhìn lại, sơn mài vẫn là thứ gắn bó, gần gũi hơn cả. Quá trình tiếp xúc từ nhỏ mang đến cho họa sĩ niềm xúc cảm đặc biệt để rồi anh quyết định theo đuổi nghệ thuật sơn mài.
"Tôi đến với sơn mài trong tâm thế của một người hiểu nó, hoàn toàn có thể tùy biến sử dụng nó một cách linh hoạt. Đặc biệt, với tôi, sơn mài còn là truyền thống của gia đình nên càng có ý nghĩa. Tôi muốn giữ gìn sơn mài, không chỉ vì mình hiểu nó mà còn là để duy trì nghề truyền thống, để nó không bị mất đi qua thời gian", họa sĩ Nguyễn Đình Văn chia sẻ.
Dưới sự dìu dắt của cha mẹ, Nguyễn Đình Văn tiếp thu tinh hoa nghề truyền thống từ những kỹ thuật điêu luyện cho đến tinh thần sáng tạo nghiêm túc. Tuy vậy, không dừng lại ở việc kế thừa di sản, với khát vọng tìm kiếm một ngôn ngữ riêng, họa sĩ đã không ngừng thử nghiệm, khám phá để tạo dựng phong cách vượt ra khỏi khuôn mẫu.
Họa sĩ Nguyễn Đình Văn cho biết: "Tôi kế thừa những kỹ thuật truyền thống và sáng tạo, nâng tầm các tác phẩm lên. Tôi cũng áp dụng công nghệ tiên tiến để hỗ trợ quá trình sáng tác tranh, tiếp cận với nghệ thuật sơn mài của thế giới. Nhờ vậy, các tác phẩm trông hiện đại hơn, màu sắc tươi tắn hơn, khác biệt so với những thế hệ trước".
Triển lãm Dưới tán cây rừng đang diễn ra tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San (4 - 19.1), thành phố Thủ Đức (thành phố Hồ Chí Minh) là triển lãm cá nhân đầu tiên của Nguyễn Đình Văn, không chỉ đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp mà còn là lời khẳng định rằng sơn mài truyền thống vẫn có thể trường tồn và thăng hoa trong thế giới hiện đại.
Những tác phẩm là sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần truyền thống và tư duy hiện đại. Ở đó, họa sĩ không chỉ tái hiện những giá trị cốt lõi của sơn mài mà còn thổi vào đó hơi thở mới, phản ánh những câu chuyện mới.
Như Nguyễn Đình Văn quan niệm, nghệ thuật không đơn thuần là vẻ đẹp thẩm mỹ, mà còn là cầu nối giữa cảm xúc, ký ức và sự đồng điệu trong tâm hồn. Bảo tồn không chỉ là giữ nguyên mà còn là sáng tạo, bước ra thế giới hiện đại với diện mạo khác biệt nhưng vẫn đậm chất văn hóa.
Các tác phẩm Dưới tán cây rừng đưa con người trở về thiên nhiên, nơi cảm xúc và cây cối hòa quyện vào không gian nghệ thuật. Họa sĩ sử dụng kỹ thuật sơn mài truyền thống để tái hiện những lát cắt sống động của thiên nhiên, biến điều bình dị thành tác phẩm, kể câu chuyện về sự giao thoa giữa nghệ thuật sơn mài và cuộc sống.
Những khu rừng, vườn cây và núi đồi hiện lên dưới ánh nắng sớm, hoàng hôn dịu dàng hay bóng đêm tĩnh lặng, tạo nên bức tranh phong phú về trạng thái của thiên nhiên. Ánh sáng xuyên qua từng tán lá, hòa quyện với màu sắc và bố cục tái hiện chân thực vẻ đẹp tự nhiên. Nhưng ở đó, thiên nhiên không chỉ là chủ thể mà còn là nhịp cầu nối liền con người với chiều sâu cảm xúc và ký ức lắng đọng.
Như tác phẩm Hồng với hình ảnh những tán cây xanh mướt, từng quả hồng trĩu cây báo hiệu một mùa bội thu. Bức tranh mang theo ước muốn của con người về một cuộc sống đầy trái và ngọt ngào. Kỹ thuật sơn mài của họa sĩ thể hiện cả về chiều sâu lẫn tạo hình, như dẫn dắt người xem vào nhịp điệu bất tận của đời sống.
Hay bức Núi được ghép từ 3 tấm vóc với hình ảnh những áng mây vàng óng chiếu xuống dòng nước chảy qua ngọn núi, gợi lên sự thanh bình và sức sống vĩnh cửu của thiên nhiên hùng vĩ, khi tác giả chứng kiến sự chuyển mình của khung cảnh qua từng thời điểm trong ngày.
Ngoài ra, họa sĩ dùng khả năng quan sát tỉ mỉ để cảm nhận vẻ đẹp của thiên nhiên trong đêm tối. Chẳng hạn, bức Bóng trăng thể hiện niềm say đắm của họa sĩ với vẻ đẹp thiên nhiên thoắt ẩn thoắt hiện trong đêm tĩnh lặng.
Nhiều ý kiến nhận định các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đình Văn là sợi dây kết nối nghệ thuật sơn mài với đời sống nội tâm qua từng chi tiết. Bởi vậy, triển lãm Dưới tán cây rừng cũng chính là lời mời gọi mỗi chúng ta hòa vào chu kỳ đất trời, tĩnh lặng để cảm nhận vẻ đẹp cuộc sống thiên nhiên, từ đó khám phá sự giao thoa trong tâm hồn mình.