Giản dị đến đơn sơ
Nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh là người có nhiều đóng góp rất lớn đối với đất nước qua từng giai đoạn lịch sử. Dù ở thời điểm nào, con người của nguyên Chủ tịch Nước vẫn luôn thể hiện rõ phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Khi vào quân ngũ, trở thành vị tướng tài, rồi trở thành người đứng đầu Nhà nước nhưng Đại tướng vẫn rất giản dị, tiết kiệm và khiêm nhường.
Tôi vẫn nhớ, Đại tướng thường mặc bộ quần áo tô châu màu rêu đã sờn cũ. Mùa đông thì mặc thêm chiếc áo len bên trong, khoác chiếc áo bông của quân đội. Khi nào có lễ lớn, hay khi tiếp đón khách Trung ương thì ông mới mặc comple. Căn nhà công vụ nơi Đại tướng ở số 5 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội, cũng như trong nhà riêng của Đại tướng ở TP Hồ Chí Minh, mọi đồ đạc như bàn ghế, giường tủ đến các vật dụng khác đều đã quá cũ kỹ và đơn sơ. Ông luôn xác định, tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình mà còn tiết kiệm cho nhân dân, cho đất nước. Tôi còn nhớ, chiếc máy lạnh của phòng ăn ở nhà Đại tướng là loại máy cũ, mỗi lần khởi động thì phải sau 15 phút mới có hơi lạnh, do vậy, tôi có nói với người phụ bếp là bật máy lạnh trước bữa ăn 15 phút để khi Đại tướng dùng bữa sẽ không bị nóng. Nhưng người phụ bếp chỉ thực hiện việc này được 2 lần thì ông biết và không cho bật máy sớm nữa. Bởi ông cho rằng, nếu làm như vậy là không tiết kiệm, gây tốn kém cho Nhà nước.
Tôi đã từng chứng kiến nhiều cuộc “vi hành” đường dài của Đại tướng, ngay cả khi tuổi đã cao, dù là nguyên thủ quốc gia nhưng ông chỉ đạo không được thông báo cho các đơn vị quân đội và các cơ quan, chính quyền địa phương trên dọc tuyến đường đi. Đại tướng Lê Đức Anh có lần nói, các tỉnh mà chúng ta đi qua không có nội dung làm việc, nhưng lâu ngày nếu thấy mình tới, các đơn vị quý sẽ đón tiếp. Nhưng cách tiếp đón của ta là cứ Bí thư tỉnh tiếp thì cũng phải có Phó Bí thư, rồi Chủ tịch và Phó Chủ tịch, đủ các ban bệ. Trong khi chỉ có bác cháu ta mà tốn kém dăm mâm cơm thì mang tiếng, mà tiền đó cũng là tiền của nhân dân đóng góp mới có được, như vậy là không nên. Trong bất kể trường hợp nào, tình huống nào, Đại tướng cũng nghĩ đến nhân dân, đến đất nước.
Luôn quan tâm đến cuộc sống của người dân
Đại tướng Lê Đức Anh là người sống không đặt nặng vấn đề nghi thức. Ông luôn quan tâm đến cách xử lý công việc sao cho hiệu quả nhất. Khi có dịp về địa phương, không chỉ nghe các lãnh đạo nói mà ông còn trực tiếp gặp gỡ, hỏi han người dân và cán bộ cơ sở để hiểu rõ hơn cuộc sống của đồng bào.
Có lần vào công tác ở Kiên Giang và Cần Thơ, Đại tướng Lê Đức Anh phát hiện ở đây có nhiều người dân mất hết ruộng đất canh tác. Qua chia sẻ của người dân, ông biết rằng, đúng lúc gia cảnh gặp khó khăn, người dân phải bán đất, số cán bộ có tiền đã mua, người dân mất ruộng, lâm vào cảnh khó khăn. Ông nói với lãnh đạo tỉnh, chúng ta làm cách mạng để giành chính quyền cho dân. Đường lối cách mạng dân tộc dân chủ của Đảng ta là ruộng đất cho dân cày. Bây giờ giải phóng rồi, người nông dân lại bị mất ruộng, lại trở thành người làm thuê trên mảnh ruộng của chính mình. Như vậy, mục tiêu của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ bị xóa bỏ. Ngay sau chuyến đi đó, Đại tướng về báo cáo đề xuất với Bộ Chính trị, được Bộ Chính trị chấp thuận, Chính phủ đã trích một khoản ngân sách để hỗ trợ cho các gia đình nông dân miền Tây Nam Bộ chuộc lại ruộng đất.
Trong “nhân tình thế thái”, nguyên Chủ tịch Nước Lê Đức Anh luôn ứng xử chuẩn mực, tôn trọng mọi người. Khi tôi làm trợ lý, kiêm thư ký phục vụ Đại tướng, ông từng nói với tôi: Chú dặn bảo vệ tiếp cận và các cháu cảnh vệ, riêng cửa số 5B Hoàng Diệu luôn mở rộng để đón mọi người, không phân biệt, từ người lao động bình thường hay cán bộ các ngành, các địa phương. Tôi không quan cách, phân biệt ai cả. Với cấp dưới, với nhân dân, Đại tướng luôn đối xử bằng tình cảm yêu thương, trân trọng và gần gũi, đó là tình cảm giữa con người với con người, giàu lòng nhân ái.
Có một lần, tôi nhận được bức thư của bà Phương, vợ Thượng tướng Song Hào (người từng giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thương binh và Xã hội). Khi ấy, ông Song Hào bị bệnh nặng phải nằm điều trị tại Bệnh viện Quân y 108, sức khỏe yếu, sự sống chỉ còn tính từng ngày. Thay mặt gia đình, vợ ông đã viết thư cho Đại tướng Lê Đức Anh đề đạt 2 nguyện vọng: Một là, mong muốn ông đề đạt với Trung ương phong tặng đặc cách Huân chương sao Vàng. Hai là, trước đó Quân đội đã phân biệt thự 62 Lý Thường Kiệt nhưng ông Song Hào không đồng ý nhận, giờ gia đình muốn xin lại. Nhận được thư, Đại tướng hỏi tôi: Theo ý chú thì thế nào. Tôi nhớ, trong nhiều câu chuyện của mình, Đại tướng rất kính phục ông Song Hào về đạo đức và lối sống. Khi được Đại tướng hỏi, hỏi tôi trả lời rằng: “Cháu đã được nghe bác nói nhiều về đạo đức lối sống của bác Song Hào có đủ phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, cháu cho rằng, bác Song Hào cũng xứng đáng. Nhưng có được phong tặng Huân chương sao Vàng hay không thì phải có lời đề nghị của bác. Còn vấn đề biệt thự thì nên gác lại. Bởi biệt thự số 62 Lý Thường Kiệt đã được Nhà nước cho Hàn Quốc thuê, nếu lấy lại sẽ làm khó cho Bộ Quốc phòng”.
Sau khi nghe tôi trình bày, Đại tướng nói tôi thảo một lá thư gửi cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư đề nghị xét đặc cách cho Thượng tướng Song Hào Huân chương sao Vàng. Buổi sáng soạn xong thư, buổi chiều Đại tướng ký và tôi trực tiếp sang Văn phòng Chủ tịch Nước đóng dấu xác nhận. Đại tướng nói đây là trường hợp gấp rồi nên bảo tôi gửi cho Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh. 3 ngày sau kể từ ngày chuyển thư của Đại tướng Lê Đức Anh thì truyền hình đưa tin Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đến tận giường bệnh để trao Huân chương sao Vàng cho ông Song Hào. Trong lịch sử công tác khen thưởng, có lẽ không có trường hợp nào nhanh như thế.
Không lợi dụng vị trí để nâng đỡ người thân
Trong cuộc sống, nguyên Chủ tịch Nước luôn nghiêm khắc với bản thân mình. Là một vị tướng, một nhà lãnh đạo cấp cao nhưng ông không tận dụng vị trí của mình để nâng đỡ người thân mà thường răn dạy các con, cháu phải tự mình rèn luyện, phấn đấu.
Có lần người anh ruột của Đại tướng Lê Đức Anh là ông Lê Hữu Độ từ Thừa Thiên Huế ra Hà Nội thăm và có lời nhờ vả em trai khi ấy đang giữ cương vị Chủ tịch Nước tìm giúp con trai đã tốt nghiệp đại học, có bằng kỹ sư một chỗ làm ở quanh Hà Nội để tiện đi về, chăm sóc vợ con. Chủ tịch Nước Lê Đức Anh liền nói: Em mừng cho anh chị, mừng cho cháu! Còn nơi làm việc thì anh khuyên cháu cứ rèn luyện và phấn đấu cho tốt, khắc có cơ quan, xí nghiệp thu nạp. Nghe xong, ông Độ giận dỗi bỏ về quê. Mãi sau người em gái út mới biết chuyện và khuyên ông Độ rằng ngay con ruột của ông Lê Đức Anh cũng đều phải tự thân vận động.
Khoảng thời gian 2003 - 2004, công bố quy hoạch “Khu chính trị Ba Đình”, cùng lúc Bộ Quốc phòng tiến hành xây dựng cơ quan Bộ ở bên đường Nguyễn Tri Phương. Lúc đó, Cục Hậu cần của Bộ Tổng Tham mưu xây hai ngôi nhà 4 tầng bên bờ Hồ Tây để phòng khi phải bàn giao khu nhà khách T66 thì sẽ mời Đại tướng Lê Đức Anh và Bộ trưởng Phạm Văn Trà di chuyển ra đó ở. Nhưng khi biết chuyện, Đại tướng đã nói rằng: Lâu nay Quân đội có quy định mỗi cán bộ chỉ hưởng một suất nhà - đất. Tôi đã được cấp nhà từ sau giải phóng miền Nam. Tôi không thể nhận thêm cái thứ 2. Khi nào TP Hà Nội thu nhà công vụ này thì tôi vào nhà tôi trong TP Hồ chí Minh.
Nguyên Chủ tịch Nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã sống trọn một đời liêm khiết, không lợi dụng vị trí để làm lợi cho bản thân. Cách sống ấy, nhân cách ấy của ông rất đáng khâm phục.