Tuy nhiên, tại Phiên giải trình về tình hình xử lý tro xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, phân bón và hóa chất, do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức, đã có ý kiến đề nghị cần xem xét việc đưa tro xỉ từ các nhà nhiệt điện than ra khỏi danh mục chất thải có nguy cơ gây hại. Bởi lẽ, các địa phương đang có nhu cầu sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện làm vật liệu san lấp mặt bằng, song loại chất thải này chưa được gỡ dấu * nên khó có thể sử dụng. Các doanh nghiệp ở địa phương cũng rất vất vả vì chỉ cần đưa xe chở tro xỉ ra khỏi bãi đã bị lực lượng cảnh sát môi trường đến kiểm tra, xử phạt.
Việc gắn dấu chất thải có nguy cơ gây hại với tro xỉ đang khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu. Nhưng Thứ trưởng Bộ TN - MT Võ Tuấn Nhân cho biết, việc gắn dấu * xác định tro xỉ là chất thải có nguy cơ gây hại cho môi trường nhằm tuân theo quy định tại hiệp ước quốc tế về bảo vệ môi trường mà Việt Nam tham gia. Việc ghi như vậy để thấy rằng phải có phân tích thành phần, đánh giá làm rõ xem trong tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện có thành phần nguy hại hay không, và nếu không có chất thải nguy hại thì có thể sử dụng làm vật liệu xây dựng. Tất nhiên, tro xỉ được sử dụng làm loại vật liệu xây dựng nào sẽ tùy thuộc chất thải đó hợp quy chuẩn của loại vật liệu xây dựng đó.
Thứ trưởng Bộ TN - MT cũng nêu rõ, việc lấy mẫu phân tích thành phần được thực hiện một lần, chỉ khi nguyên liệu đầu vào, công nghệ thay đổi mới phải lấy mẫu để phân tích lại. Nếu nguyên liệu đầu vào, công nghệ không thay đổi thì doanh nghiệp không nhất thiết thực hiện. Qua hỏi doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ TN - MT cho biết, mỗi đơn vị chỉ cần tốn 80 triệu đồng để thực hiện phân tích thành phần tro xỉ cho suốt chu kỳ sản xuất, và chỉ phải xử lý khi phát hiện tồn dư kim loại nặng, chứ không nhất thiết phải xử lý.
Khó khăn trong vận chuyển tro xỉ là một trong nhiều nguyên nhân khiến xảy ra tình trạng tồn đọng loại phát thải này từ nhà máy nhiệt điện. Nhưng việc vận chuyển tro xỉ chưa dễ dàng cũng không hẳn do việc nó có nguy cơ gây hại. Theo phản ánh của một số doanh nghiệp, tại Khoản 2, Điều 31 Nghị định 38/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải, phế liệu, về thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đã quy định chỉ các chủ xử lý chất thải nguy hại đã được cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại được phép thu gom, vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường. Tuy nhiên, Nghị định số 38 không điều chỉnh với các đơn vị vận chuyển không có giấy phép xử lý chất thải nguy hại, nên rất khó nhận biết họ có được vận chuyển hay không. Đây cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện hoạt động này.
Việc tiếp tục giữ dấu * với tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện không phải không có lý lẽ. Thực tế, công nghệ của các nhà máy nhiệt điện ở nước ta khác nhau, nên chất lượng tro xỉ giữa các nơi chưa đồng nhất. Việc gắn dấu với tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện sẽ buộc nhà sản xuất phải chú ý sử dụng vật liệu đầu vào đúng tiêu chuẩn để ra hàng hóa, vật liệu không gây nguy hại cho môi trường.
Trong khi đó, không đánh đổi môi trường để tăng trưởng là quan điểm được Đảng, Nhà nước nhấn mạnh trong nhiều văn bản chỉ đạo thời gian qua. Do vậy, mỗi giải pháp đưa ra để góp phần thúc đẩy sử dụng tro xỉ từ nhà máy nhiệt điện cần được đánh giá kỹ càng, lắng nghe ý kiến từ các bên liên quan, tránh quyết định vội vàng, có nguy cơ gây tác động xấu đến môi trường sống của người dân.