Theo đại biểu, hiện nay ngành công nghiệp hỗ trợ có khoảng 1.500 doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, điện và điện tử, nhựa, cao su và hóa chất. Tuy nhiên, năm vừa qua, sức khỏe của doanh nghiệp suy giảm khá nghiêm trọng về doanh thu, tình trạng mất đơn hàng từ nhiều thị trường đang diễn ra và hiện nay đang gặp hai nút thắt rất lớn về vốn và chi phí. Trong khi đó, làn sóng đổ bộ công nghiệp hỗ trợ của nhiều nước vào Việt Nam đang diễn ra với quy mô lớn và rất nhanh. Điều này cho thấy, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chưa kịp lớn để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Trả lời chất vấn của đại biểu về quan điểm cũng như giải pháp của Bộ Công Thương về hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư đến Việt Nam bao giờ cũng muốn có những doanh nghiệp phụ trợ cùng hệ đối với những nhà đầu tư. Đây là những doanh nghiệp lớn, đã đạt được những tiêu chuẩn cả về chất lượng sản phẩm lẫn chất lượng môi trường và có những sản phẩm với giá cả cạnh tranh.
Trong khi đó, doanh nghiệp trong nước còn yếu, có cơ chế nhưng không tiếp cận được. Đây là thách thức, là vấn đề cần phải tính toán, giải quyết. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, nếu muốn giành lại thị trường này cho doanh nghiệp trong nước, trước hết phải rà soát lại hệ thống pháp luật để cơ chế chính sách đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp nội địa có khả năng hấp thụ được, thông qua đó mà lớn lên.
Bên cạnh đó, các địa phương cần dành những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ như ưu đãi về vốn, nhân lực để thực hiện. Cùng với đó, Bộ trưởng cho rằng cần sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài và một số luật liên quan nhằm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến và có cơ chế ràng buộc các doanh nghiệp này phải liên kết với các doanh nghiệp phụ trợ trong nước và từng bước nội địa hóa ngành sản xuất chứ không phải là khuyến khích như hiện tại.
Phát biểu kết thúc phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực công thương, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng nêu rõ tỷ lệ cơ giới hóa ở một số khâu trong sản xuất nông nghiệp còn thấp; hiệu quả triển khai các chính sách ưu đãi trong ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí còn hạn chế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, các bộ có liên quan thực hiện các giải pháp đã đề ra, tập trung vào một số vấn đề trọng tâm.
Trong đó, nghiên cứu, xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản.
Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để tận dụng các FTA đã ký kết. Triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.
Trước đó, trả lời câu hỏi của đại biểu về phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương tập trung cho 3 lĩnh vực chủ yếu gồm: Linh kiện phụ tùng; công nghiệp hỗ trợ cho dệt may; công nghiệp hỗ trợ cho những ngành công nghệ cao.
Sau 6 năm, việc thực hiện Quyết định số 68/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025 đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, một số sản phẩm đạt kết quả thấp hơn so với mục tiêu chung như ngành điện tử tin học, viễn thông, điện tử chuyên dụng; các ngành công nghiệp công nghệ cao trong nước cũng đạt mục tiêu chưa cao…
Do đó, thời gian tới, cần hoàn thiện đồng bộ chính sách, trong đó có việc nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp trọng điểm; tăng cường phân bổ nguồn lực từ trung ương và địa phương; bố trí đủ nguồn lực cho công nghiệp hỗ trợ đến năm 2025 và các giai đoạn tiếp theo; đào tạo nhân lực chất lượng cao…