Trị bệnh đủng đỉnh giải ngân

- Thứ Bảy, 19/06/2021, 16:20 - Chia sẻ
Kết quả giải ngân kế hoạch đăng ký đầu năm là tiêu chí chủ yếu để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2021 của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan, trừ lý do bất khả kháng. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan, đơn vị lấy tiêu chí kế hoạch giải ngân của đơn vị để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ có liên quan. Đây là một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu rõ trong Chỉ thị số 06/CT-BGTVT về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2021, nhằm trị bệnh "đủng đỉnh giải ngân" vốn đầu tư công.

Ảnh minh họa

Đẩy mạnh giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công được coi là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bài toán “tiền đâu” luôn được nhắc đến trong đầu tư, triển khai các dự án khi ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, nhưng vẫn tồn tại thực tế “có tiền mà không tiêu được”. Tình trạng “nơi dùng không hết, chỗ lần chẳng ra” cho thấy, có nơi, đồng vốn đầu tư công chưa được sử dụng hiệu quả.

Trong báo cáo đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2021 của Chính phủ gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thứ 57 vừa qua cho thấy, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách trung ương 5 tháng đầu năm chỉ đạt 22,12% kế hoạch, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (25,98%), trong đó vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 2,97%. Đáng chú ý, có tới 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn, 8 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Nhiều ý kiến cho rằng, đây chính là một trong những “nút thắt” của nền kinh tế, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương cần tăng tốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công hiệu quả trong những tháng cuối năm mới bảo đảm yêu cầu đặt ra.

Không khó để thấy được những lực cản từ chủ quan và khách quan trong chậm giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid -19, tình trạng khan hiếm nguyên vật liệu dẫn đến giá cả nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Tuy nhiên, Chính phủ cũng phải thừa nhận rằng, “nguyên nhân chủ quan là chủ yếu”. Đó là nhận thức của một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương về vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được sâu sắc và đầy đủ, chưa quyết liệt trong chỉ đạo điều hành triển khai các giải pháp đã đề ra. Năng lực quản lý, điều hành, thi công của các ban quản lý dự án, nhà thầu còn hạn chế. Tâm lý “ngại” giải ngân, thanh toán, quyết toán vốn nhiều lần.

Từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương phải có kế hoạch “chạy nước rút” mới bảo đảm tiến độ giải ngân đã đề ra. Cần nhấn mạnh rằng, việc “chạy nước rút” là cần thiết nhưng không đồng nghĩa với việc phải giải ngân vốn đầu tư công bằng mọi giá, cho xong. Quan trọng là phải sử dụng đồng vốn đầu tư công hiệu quả. Do đó, người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, quyết định dự án nào cần làm trước, dự án nào làm sau để tránh áp lực không đáng có lên chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ.

Để vốn đầu tư công “nằm im trong hầu bao” cũng chính là lãng phí nguồn lực. Do đó, cần có giải pháp kịp thời tháo gỡ những vướng mắc thể chế đầu tư công, xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, rà soát tiến độ, kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA. Kiên quyết xử lý cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm khi thực hiện nhiệm vụ này. Lấy kết quả giải ngân vốn của các đơn vị năm 2021 là tiêu chí để đánh giá xét thi đua và đánh giá hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 của người đứng đầu. Ai không hoàn thành sẽ bị xử lý trách nhiệm kịp thời, minh bạch.

Đã đến lúc phải có biện pháp mạnh đối với người đứng đầu nếu để xảy ra tình trạng “đủng đỉnh” giải ngân vốn đầu tư công bởi một cơ chế ràng buộc trách nhiệm cá nhân.

Hà An