Tri thức canh tác nương đá của đồng bào Mông:

​​​​​​​Sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên

- Thứ Tư, 26/10/2022, 10:22 - Chia sẻ

Trong quá trình lao động, đồng bào Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã tích luỹ những tri thức dân gian, kinh nghiệm quý báu trong tập quán sản xuất, đặc biệt là tập quán canh tác nương đá, một di sản văn hóa độc đáo, biểu tượng cho sự sáng tạo và khát vọng chinh phục tự nhiên của người dân nơi đây.

Kinh nghiệm canh tác nơi "đá nhiều hơn đất" 

Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư trú của khoảng 250.000 người, gồm 17 dân tộc anh em, trong đó người Mông đông nhất, chiếm trên 70% dân số. Sinh sống ở vùng núi cao với địa hình chủ yếu là núi đá, khí hậu khắc nghiệt, đồng bào Mông phải sống thuận theo tự nhiên. Trải qua nhiều thế hệ, người Mông đã đúc rút những kinh nghiệm và phương thức canh tác tối ưu trên hệ sinh thái nương đá.

Đồng bào Mông đã đúc rút những kinh nghiệm canh tác nương đá - Ảnh: vov4.vov.gov.vn
Đồng bào Mông đã đúc rút những kinh nghiệm canh tác nương đá. Ảnh: vov4.vov.gov.vn

Tri thức địa phương trong canh tác nương đá của đồng bào Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn rất phong phú và đa dạng. Tiêu biểu như tri thức tạo lập nương đá, kỹ thuật xếp đá đạt đến trình độ cao, có những bờ đá vững chắc qua hơn nửa thế kỷ. Với những mảnh nương khá rộng có độ dốc không lớn, ít đá tai mèo, đồng bào dùng đá xếp thành bờ, tránh đất bị rửa trôi để có thể canh tác lâu dài. Với khu vực chủ yếu là các hốc đá, lượng đất trong hốc đá rất ít không đủ để cây trồng phát triển bình thường thì phải gùi đất từ dưới chân núi bổ sung vào để có nơi gieo hạt (được gọi là thổ canh hốc đá). Việc canh tác theo hình thức này rất khó khăn, vất vả, nhưng đây là giải pháp tối ưu để khắc phục tình trạng khan hiếm đất canh tác.

Đồng bào nơi đây cũng có kinh nghiệm chọn đất và tạo đất canh tác. Theo kinh nghiệm được truyền lại từ các thế hệ trước, vùng đất tốt nhất và cho năng suất cây trồng cao nhất là ở thung lũng, rừng già, đất tơi xốp, độ ẩm cao, lớp đất đen dày từ 20 - 30cm; hay nơi nào mọc nhiều cây cơm xôi thì đất tốt còn chỗ nào mọc nhiều cây sim là đất xấu, cằn cỗi. Những chỗ đất tốt đồng bào dùng để trồng ngô, lanh... còn chỗ đất xấu dùng để trồng tam giác mạch.

Sinh sống ở nơi đá nhiều hơn đất, người Mông đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong việc tạo lập và mở rộng diện tích đất canh tác, có cách thức hạn chế xói mòn đất, tạo độ màu cho đất; có kinh nghiệm đoán định thời tiết để tiến hành các hoạt động sản xuất...

Với những giá trị đặc sắc đó, năm 2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Tri thức canh tác hốc đá của cư dân cao nguyên đá Hà Giang vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghiên cứu, sưu tầm có hệ thống

Hiện nay, sự biến đổi khí hậu, gia tăng dân số nhanh chóng, suy giảm mạnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đã tác động không nhỏ đến cuộc sống của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn. Hơn nữa, theo đánh giá của Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (UNESCO), cao nguyên đá Đồng Văn là một trong những vùng đá vôi đặc biệt, chứa đựng những dấu ấn tiêu biểu về lịch sử phát triển vỏ quả đất, những hiện tượng tự nhiên, cảnh quan đặc sắc về thẩm mỹ, tính đa dạng sinh học cao và truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng cư dân bản địa. Do vậy, việc bảo tồn di sản của nhân loại gắn với phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người Mông ở vùng cao nguyên đá là một nhu cầu cấp thiết.

TS. Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, việc bảo tồn và phát huy tri thức địa phương trong canh tác nương đá của người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn hiện nay là phù hợp với xu hướng phát triển bền vững của tộc người, vừa bảo tồn di sản công viên địa chất toàn cầu. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này cần được thực hiện theo quan điểm bảo tồn có kế thừa và phát triển. Mặt khác, việc bảo tồn phải quan tâm đến đặc điểm xã hội trong từng thời điểm cụ thể, tức là phải lựa chọn những giá trị phù hợp với thời đại, làm cho di sản văn hóa sống trong cộng đồng chủ thể văn hóa.

Các chuyên gia cũng cho rằng, tri thức địa phương trong canh tác nương đá của người Mông được duy trì bằng trao truyền nên rất dễ bị biến đổi và mất đi khi điều kiện môi trường thay đổi. Vì vậy, nghiên cứu, sưu tầm một cách có hệ thống tri thức địa phương này để bảo tồn là cần thiết và cấp bách. Việc nghiên cứu này phải được tư liệu hóa (bằng văn bản, hình ảnh, video...) để cán bộ và người dân dễ dàng tiếp cận, hoặc khôi phục trong trường hợp di sản mai một, thất truyền.

Bên cạnh đó, phân loại, đánh giá hệ thống tri thức địa phương trong canh tác nương đá, lựa chọn những tri thức còn phù hợp với sự phát triển tộc người, từ đó tư vấn cho nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển kinh tế địa phương, nhà bảo tồn văn hóa có chương trình, kế hoạch phù hợp. Chẳng hạn, có thể chuyển đổi kinh tế nông nghiệp, kết hợp tri thức dân gian và kiến thức khoa học hiện đại trong phát triển sản xuất, chú trọng nguồn lực tri thức địa phương trong canh tác nương rẫy phù hợp với tình hình mới; phát triển một số sản phẩm từ canh tác nương đá thành các sản phẩm đặc thù vừa tăng tính hấp dẫn cho du lịch vùng cao nguyên đá, vừa nâng cao giá trị các sản phẩm nông nghiệp địa phương …

Đồng thời, tuyên truyền cho người dân hiểu và tự hào về hệ thống tri thức mà mình đang nắm giữ, đưa hệ thống tri thức canh tác nương rẫy vào dạy trong các cấp học ở địa phương, tăng cường trao truyền kinh nghiệm, phổ biến tri thức này giữa các thế hệ để họ chủ động lựa chọn và thực hành nhằm đem lại hiệu quả thực địa.

Thảo Nguyên