Bắc Kạn:

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể

- Thứ Năm, 14/12/2023, 17:15 - Chia sẻ

Với những cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, nhiều mô hình hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã từng bước khẳng định vai trò nòng cốt trong việc tạo công ăn việc làm, giảm nghèo bền vững, từ đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hỗ trợ nâng cao năng lực cho HTX

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng phát triển, hỗ trợ các mô hình kinh tế tập thể, HTX thông qua việc ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU năm 2016 về việc phát triển sản xuất hàng hóa; Chỉ thị số 27-CT/TU năm 2020 về việc nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX; Nghị quyết số 09-NQ/TU năm 2021 về phát triển kinh tế tập thể, HTX giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể…

Trong thời qua, Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các HTX hoạt động, được tiếp cận với các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh và Trung ương. Qua đó, giúp tạo công ăn, việc làm cho người lao động, đặc biệt là lao động khu vực nông thôn, góp phần tích cực trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Dương Văn Huấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Bắc Kạn cho biết, việc phát triển HTX và kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã bước vào giai đoạn II. Theo đó, tỉnh đã có đề án phát triển kinh tế tập thể cho giai đoạn 2021-2025 theo chiều sâu, mở rộng lĩnh vực hoạt động, quy mô hoạt động và năng lực sản xuất của các HTX.

Giai đoạn 2021-2025 tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển nguồn lực cho các HTX, cụ thể là hỗ trợ cho mỗi HTX một cán bộ có trình độ ít nhất từ cao đẳng trở lên. Hỗ trợ nhân lực bằng 1,5 lần mức lương tối thiểu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Hằng năm, tỉnh cũng dành một phần kinh phí cho Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao năng lực quản lý, tổ chức hoạt động cho các HTX.

Năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 1934 để sửa đổi, bổ sung Quyết định 1908 của UBND tỉnh về thành lập quỹ hỗ trợ HTX. Việc sửa đổi, bổ sung này hết sức ý nghĩa đối với hỗ trợ HTX. Theo đó, đối tượng thụ hưởng quỹ được mở rộng hơn.

"Thay vì chỉ được vay theo tổ chức HTX thì hiện nay các thành viên HTX cũng được vay. Trước đây do quỹ ít nên mức vốn vay chỉ dưới 100 triệu đồng. Còn hiện nay, mức vay đã được nâng lên 15% giá trị vốn điều lệ, đồng thời có cả hỗ trợ tín chấp trong điều kiện và theo quy định của pháp luật. Đây là kênh hỗ trợ nguồn lực rất quan trọng cho các HTX", Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Dương Văn Huấn cho hay.

Cũng theo ông Huấn, mục đích của chính sách nhằm tăng quy mô về mặt thành viên. Khi HTX hoạt động hiệu quả sẽ thu hút được một lực lượng đông đảo lao động khu vực nông thôn, giải quyết được việc làm, khắc phục tình trạng người lao động của tỉnh Bắc Kạn đổ dồn về các khu công nghiệp. Khi lao động ở địa phương có thu nhập, năng lực HTX được nâng cao sẽ có sức lan tỏa, cùng với đó là tăng quy mô liên kết HTX, từ đó tạo được quỹ đất sản xuất. Nông dân vừa hưởng lợi từ đất tham gia HTX vừa có thu nhập từ chính công việc mà HTX đem lại, và đó sẽ là yếu tố then chốt, quyết định giữ chân người lao động, giúp người dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể  -0
Vùng trồng dong riềng tại huyện Na Rì. Ảnh: ITN

Giải quyết được tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún

Thụ hưởng từ các chính sách hỗ trợ, việc phát triển các mô hình HTX, tổ hợp tác bước đầu đã giải quyết được một số hạn chế đối với tình trạng sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, manh mún của các hộ cá thể. Theo đó, các chính sách được triển khai thực hiện tập trung vào liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể.

Bên cạnh đó, bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm của người dân địa phương, đặc biệt là vấn đề lao động, việc làm ở khu vực nông thôn từng bước được giải quyết. Đồng thời, hỗ trợ những thứ hợp tác xã cần, tháo gỡ những vấn đề mà các hợp tác xã yếu. Từ đây, hoạt động của các hợp tác xã ở Bắc Kạn đã có những chuyển biến mạnh mẽ.

Hiện nay, các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đang chiếm ưu thế và từng bước khẳng định vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh các HTX ngày càng mở rộng, nhiều mô hình hoạt động kinh doanh có hiệu quả, sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 389 HTX, với hơn 3.750 thành viên; 735 tổ hợp tác, với trên 7.000 thành viên, 2 liên hiệp HTX; 14 HTX thành viên với 275 lao động và 2.430 hộ dân liên kết. Các HTX, tổ hợp tác hoạt động ở các lĩnh vực như nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, quỹ tín dụng nhân dân, vận tải, thương mại dịch vụ...

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể  -0
Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 389 HTX, với hơn 3.750 thành viên. Ảnh: ITN 

Tạo sinh kế, nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững

Trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế tập thể giúp tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nghèo bền vững tại địa phương. Điển hình như HTX Tài Hoan (huyện Na Rì) tạo việc làm cho khoảng 15-20 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng/người/tháng và thực hiện ký hợp đồng bao tiêu hơn 70 ha cây dong riềng đáp ứng nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất, tạo việc làm cho gần 500 hộ dân liên kết. HTX Hợp Giang (huyện Bạch Thông) tạo công ăn việc làm cho 19 lao động, trong đó có 7 hộ nghèo, cận nghèo tham gia sản xuất nấm, thu nhập bình quân từ 4,5-6 triệu/người/tháng. HTX Quỳnh Trang (huyện Chợ Đồn) luôn ưu tiên cho người lao động hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số làm việc để có thu nhập ổn định, mức thu nhập bình quân khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. HTX Giáo Hiệu (Pác Nặm) thu hút vận động 42 hộ nghèo và cận nghèo tham gia ký liên kết về trồng, chăm sóc và bao tiêu sản phẩm nông sản, qua đó tạo việc làm cho 97 lao động thời vụ thuộc hộ nghèo và cận nghèo…

HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu (huyện Na Rì) từ việc sản xuất chế biến cây dược liệu, HTX đã tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn miền núi, nhiều hộ liên kết trồng dược liệu đã có thu nhập ổn định. Các sản phẩm chế biến từ dược liệu của HTX hiện nay tiêu thụ rất tốt, thậm chí không đủ hàng để cung ứng ra thị trường

Ông Hoàng Văn Luân, Giám đốc HTX trồng và sản xuất dược liệu Bảo Châu cho biết, các sản phẩm chế biến từ dược liệu của HTX hiện nay tiêu thụ rất tốt, thậm chí không đủ hàng để cung ứng ra thị trường. “Việc sản xuất chế biến sản phẩm cao từ dược liệu như cà gai leo, cao gắm… cần rất nhiều nguyên liệu. Do đó, ngoài những lao động thường xuyên, HTX còn mở rộng liên kết với các hộ dân trồng các loại dược liệu, nhờ đó cũng đã giải quyết được việc làm cho nhiều lao động, đặc biệt là lao động ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn", ông Luân cho biết thêm.

Hay như HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Nông Thượng, TP. Bắc Kạn) chuyên chế biến và sản xuất các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ củ nghệ nếp đỏ và nghệ nếp đen. HTX đã tạo việc làm cho hơn 400 hộ dân trong toàn tỉnh thông qua việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên diện tích 150ha cây nghệ nếp.

Ngoài việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm, HTX còn cung ứng giống trả chậm, chuyển giao kỹ thuật cho các hộ liên kết trồng cây nghệ nếp. HTX luôn quan tâm ưu tiên lao động theo mùa vụ là hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo để họ có cơ hội nâng cao thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Huy Quang
#