TP. Hồ Chí Minh: Vì sao kinh tế Quý I giảm sâu?

- Thứ Tư, 05/04/2023, 19:50 - Chia sẻ

Quý I.2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP. Hồ Chí Minh ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022. Đây cũng là kết quả tăng trưởng thấp nhất trong số 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Vì sao kinh tế quý I TP. Hồ Chí Minh giảm sâu?  -0
Quý I vừa qua, TP. Hồ Chí Minh có GRDP ước đạt 360.622,1 tỷ đồng, chỉ tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2022

Theo nhiều chuyên gia, bên cạnh việc thẳng thắn chỉ rõ nguyên nhân, TP. Hồ Chí Minh cần cải cách hành chính, tránh tình trạng các sở, ban, ngành đùn đẩy trách nhiệm, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Bất động sản tăng trưởng âm, đầu tư công chậm chạp

Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho rằng, trong các ngành dịch vụ trọng yếu của thành phố, kinh doanh bất động sản tăng trưởng âm đến 16,2% so với cùng kỳ 2022. Mức độ sụt giảm nghiêm trọng của ngành bất động sản, ngành vật liệu xây dựng là báo động đỏ, gián tiếp tạo nên sự sụt giảm tăng trưởng của thành phố.

“Cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo các nguyên nhân để có các giải pháp đồng bộ, giúp khôi phục các hoạt động kinh tế, nhất là lĩnh vực có vai trò quan trọng như bất động sản. Những vướng mắc về mặt pháp lý cần phải có các giải pháp tháo gỡ nhanh thông qua việc sửa đổi, ban hành các nghị định, thông tư trong khi chờ sửa luật. Các doanh nghiệp khó khăn muốn chuyển nhượng dự án thì cần có các chính sách, cơ chế để doanh nghiệp được tự do chuyển nhượng”, ông Châu chia sẻ.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản của cho hay, quan trọng nhất là khi doanh nghiệp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cần xem xét cơ chế cho doanh nghiệp chuyển nhượng, các nghĩa vụ về tài chính liên quan đến đất đai sẽ do doanh nghiệp mua lại nộp, Nhà nước không lo chịu thiệt. Đồng thời, khơi thông các điểm "nghẽn" khiến nhiều dự án không triển khai được; trong đó, có 156 dự án mà Hiệp hội bất động sản thành phố đã báo cáo.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân, TP. Hồ Chí Minh cần phải thúc đẩy hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực lan tỏa với vai trò là "vốn mồi" cho nền kinh tế. "Giải ngân đầu tư công là quá thấp! Các báo cáo cho thấy, thành phố đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 43.400 tỷ đồng nhưng thống kê đến 24.3, mới chỉ giải ngân được hơn 952 tỉ đồng; đạt 2% tổng số vốn giao. Có nhiều nguyên nhân làm tỷ lệ giải ngân vốn công thấp, nhưng trong đó yếu tố vướng đền bù là lớn nhất. Điều này dẫn đến thành phố không thể tiếp tục triển khai các dự án", ông Nhân nói.

Về vấn đề này, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố nêu quan điểm, kinh tế cả nước nói chung và kinh tế thành phố nói riêng đều bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế thế giới. Các nước như Mỹ hay Châu Âu đều tiêu thụ ít đi, do đó các đơn hàng xuất khẩu sẽ giảm về cả số lượng lẫn đơn giá. Để cạnh tranh, các doanh nghiệp xuất khẩu phải tự thân vật lộn với bài toán đầu ra dần “teo tóp” thị phần, hệ lụy xa hơn là nợ đọng từ những nhà thu mua quốc tế khi hàng xuất khẩu phải chờ đối tác bán được. Trong khi đó, cơ quản quản lý thì liên tục kêu gọi doanh nghiệp tìm đơn hàng mới, thị trường mới mà việc cần nhất là vai trò hỗ trợ thì không có.

Đẩy mạnh cải cách hành chính

Mổ xẻ tìm nguyên nhân, đề xuất giải pháp nhằm vực dậy kinh tế thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho rằng: Các sở, ban, ngành cần nói thẳng, nói thật về nguyên nhân; đặc biệt là nghiêm túc nhìn nhận về nguyên nhân chủ quan để đưa ra giải pháp cho Quý II và những quý còn lại của năm, cũng như chuẩn bị cho những năm kế tiếp.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, tình hình Quý II và III sẽ khởi sắc hơn và thành phố cần nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong đó, quan trọng là phải giữ các động lực vốn, kể cả đầu tư công và đầu tư tư nhân. “TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể vực dậy nền kinh tế nếu giải quyết được các điểm "nghẽn". Bên cạnh đó, phải công khai, minh bạch toàn bộ vấn đề. Đây là mấu chốt để tạo niềm tin cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có niềm tin, thành phố sẽ phát triển được", TS. Trần Du Lịch cho biết.

Vì sao kinh tế quý I TP. Hồ Chí Minh giảm sâu?  -0
Chuyên gia cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần phải nỗ lực để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Theo nhiều chuyên gia, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 7,5 – 8% đã đề ra trong năm, TP. Hồ Chí Minh chỉ nhận định thẳng thắn nguyên nhân thôi chưa đủ, mà “nói cần đi với làm”, tránh tình trạng các sở ban ngành đùn đẩy trách nhiệm; phải tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh; đào tạo lại nguồn nhân lực, hỗ trợ việc làm. Nếu dự án vướng hơn nữa thì tập hợp lại, báo cáo khẩn trương với Thường trực UBND thành phố để giải quyết sớm.

Mặt khác, cần khẩn trương tập hợp những chuyên gia hàng đầu đúng chuyên ngành để góp ý cho từng lĩnh vực cụ thể. Những tổ tư vấn kinh tế chuyên ngành được thành lập sẽ có vai trò đánh giá, phân tích các yếu tố nội tại và đưa ra những dự đoán từng ngành trong thời gian tới để lãnh đạo thành phố có những quyết sách cần thiết trọng điểm.

Vấn đề rà soát lại kế hoạch đầu tư công hiện nay cũng rất bức thiết. Trong đó, cần xây dựng kế hoach đầu tư công cụ thể ở cấp độ triển khai hàng quý, hàng tháng, thậm chí là hàng tuần. Kèm theo đó là các giải pháp thực thi, phối hợp và tháo gỡ khó khăn đồng bộ thông qua các tổ chuyên trách. Xác định rõ và công khai các chủ đầu tư đã và chưa làm được gì theo tiến độ. Từ đó, phân rõ trách nhiệm cụ thể từng đối tượng và có cách thức chế tài rõ ràng minh bạch. “Đầu tư công chỉ đến cuối quý mới công khai con số, cụ thể quý 1 là 2% thì như vậy chưa rõ việc gì vướng? Việc gì chưa xong? Ai là chủ đầu tư, như vậy người dân chỉ bức xúc thêm về không minh bạch thông tin”, TS. Lê Bá Chí Nhân nói.

Cùng đó, các doanh nghiệp xuất khẩu hiện rất cần hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các phòng thương mại và hiệp hội hỗ trợ kết nối giao thương với quốc tế. Trong giai đoạn khó khăn hiện nay, nếu để doanh nghiệp “tự bơi”, không có hỗ trợ, không tư vấn liên kết, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sẽ sớm bị loại khỏi thị trường. Song song đó, thành phố cần triển khai nhanh chóng kế hoạch kích cầu tiêu dùng từ du lịch, dịch vụ đến bán lẻ. Có như vậy mới kích thích dòng tiền trong dân chảy mạnh, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa vượt khó.

Các địa phương như: Bình Dương, Hải Phòng… đang dần áp sát vị thế “đầu tàu” của TP. Hồ Chí Minh. Để giữ vững danh hiệu này, thành phố phải nhanh chóng có động thái mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, xứng đáng là trung tâm của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bài, ảnh: Hoàng Anh
#