Gia Lai

Tạo vị thế cho công nghiệp năng lượng tái tạo

- Thứ Bảy, 09/12/2023, 07:32 - Chia sẻ

Trong định hướng phát triển, Gia Lai xác định ngành công nghiệp năng lượng tái tạo là một trong các lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư. Những năm gần đây, vị thế ngành công nghiệp năng lượng tái tạo thể hiện rõ qua giá trị đóng góp vào tăng trưởng sản xuất công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Nhiều lợi thế phát triển

Trong những năm qua, Tỉnh ủy Gia Lai đã ban hành chương trình hành động, UBND tỉnh ban hành kế hoạch về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bên cạnh việc khai thác lợi thế về thủy điện, điện gió và điện mặt trời thì tỉnh Gia Lai còn định hướng, sẽ tận dụng nguồn phụ phẩm, phế phẩm từ ngành chế biến nông - lâm sản để phát triển điện sinh khối là hướng đi đầy tiềm năng.

Tỉnh Gia Lai cũng xác định, việc đầu tư vào các dự án năng lượng còn phát huy có hiệu quả nguồn lực đất đai, tăng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, tạo thêm việc làm cho người lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh, hiện toàn tỉnh có tổng trữ lượng nước khoảng 23 tỷ mét khối , phân bố trên các hệ thống sông suối, ao hồ. Sông suối ở Gia Lai có đặc điểm là ngắn và dốc, rất thuận lợi để xây dựng công trình thủy điện, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng hơn 3.000MW. Về tiềm năng điện mặt trời, Gia Lai có số giờ nắng bình quân 1.900 - 2.200 giờ/năm, số liệu bức xạ mặt trời trung bình ngày đưa vào tính toán 4,6 - 5,2 kWh/m2, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 7.500MW.

Dự án điện gió ở Gia Lai
Dự án điện gió ở Gia Lai

Về tiềm năng điện gió, Gia Lai có tốc độ gió trung bình khoảng 6 - 7 m/s, có thể phát triển tới quy mô công suất khoảng 12.000MW. Tỉnh cũng có khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối trên địa bàn cho sản xuất năng lượng với khoảng 620.000 tấn/năm (gồm bã mía có sản lượng khoảng 520.000 tấn/năm; chất thải hữu cơ từ chế biến nông - lâm sản như vỏ trấu, vỏ cà phê, mùn cưa… sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm), quy mô công suất có thể đạt khoảng 850MW.

“Hầu như các đường dây 500kV từ Bắc vào Nam đều đi qua địa bàn nên Gia Lai có vị trí rất quan trọng về truyền tải điện. Hệ thống lưới điện truyền tải gồm các cấp điện áp 220kV - 500kV có quy mô, khối lượng tương đối lớn, bảo đảm công suất truyền tải giữa lưới điện của tỉnh với các tỉnh lân cận và với hệ thống điện quốc gia ở mức cao, đồng thời bảo đảm khả năng giải phóng công suất của các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh”, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Binh chia sẻ.

Tạo vị thế - thu hút đầu tư

Thực hiện quan điểm “Phát triển năng lượng phải đi trước một bước, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia” cũng như các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo của Chính phủ, UBND tỉnh rất quan tâm kêu gọi các nhà đầu tư tiến hành khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.

Hiện tại, tỉnh đã thu hút được các nguồn lực cho đầu tư phát triển và được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 88 dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 4.362,89MW trong đó, thủy điện có tới 60 dự án, còn lại là các dự án điện mặt trời, điện gió.

Để tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch tương ứng với tiềm năng của tỉnh, hình thành và phát triển một số trung tâm năng lượng tái tạo như Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu, Gia Lai đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương xem xét, đưa vào tính toán trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến 2050 (Quy hoạch Điện VIII) đối với 135 dự án năng lượng tái tạo và lưới điện truyền tải có tính khả thi với tổng công suất khoảng 15.566MW nhằm huy động mọi nguồn lực để phát triển với chất lượng ngày càng cao.

Đồng thời, tỉnh tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu rà soát, đổi mới cơ chế, thực thi chính sách về đất đai và bảo vệ môi trường trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Trên tinh thần bám sát các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 07-NQ/TU về đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch đến năm 2030, lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã đặt ra nhiệm vụ chung về cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.Tỉnh cũng đặt ra các nhiệm vụ cụ thể liên quan đến hoạt động thu hút đầu tư công nghiệp năng lượng tái tạo trong lĩnh vực điện gió, điện mặt trời, thủy điện, điện sinh khối.

Chương trình hành động nêu rõ, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để đạt được các mục tiêu của Nghị quyết số 07-NQ/TU. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố hàng năm tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt; chủ động xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm, các thủ tục liên quan bảo đảm điều kiện giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án đầu tư; đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, áp dụng việc giải quyết thủ tục hành chính ở cấp độ 3 và 4 giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian chi phí, tăng sự rõ rõ ràng, công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đức Trí
#