QUẢNG NINH ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN, NÂNG TẦM CÁC SẢN PHẨM OCOP

Tăng cường xúc tiến, quảng bá, hợp tác

- Thứ Hai, 26/09/2022, 06:06 - Chia sẻ

Sau gần một thập kỷ triển khai thực hiện, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần tích cực trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ninh theo hướng phát triển chuỗi giá trị. Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, tỉnh cũng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá, tạo "cầu nối" để các chủ thể OCOP tìm hiểu, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, cung ứng hàng hóa trực tiếp vào các mạng lưới phân phối trong nước, ngoài nước.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương

Chương trình OCOP kể từ khi được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng. Hiện, toàn tỉnh đã có 189 đơn vị, tổ chức kinh tế và có gần 500 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, 267 sản phẩm được cấp chứng nhận hạng sao OCOP. Mới đây, nhân kỷ niệm 77 năm ngày Quốc khánh 2.9, UBND tỉnh đã phối hợp với Bộ Công thương tổ chức thành công Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại lớn với quy mô trên 250 gian hàng, 1.350 mặt hàng, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm, tham quan, mua sắm.

Các đại biểu tham dự Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022
Các đại biểu tham dự Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo OCOP tỉnh Quảng Ninh Phạm Văn Thành, hội chợ là hoạt động cụ thể xây dựng thương hiệu địa phương, tạo tiền đề thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ của tỉnh, đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh hội nhập với các nước trong khu vực. Đồng thời, góp phần đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tại hội chợ này, các sản phẩm OCOP Quảng Ninh và nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc có chất lượng tốt đã được quảng bá rộng rãi. Qua đó, hình thành sản phẩm OCOP thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ gắn với phục vụ nhu cầu của khách du lịch. Nhóm hàng có lượng tiêu thụ lớn là thực phẩm, thảo dược và đồ uống đặc trưng của Quảng Ninh. Ngoài ra, còn có các sản phẩm đặc sản tiêu biểu của các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Điện Biên, Cao Bằng, Thái Nguyên, Sơn La... Chị Nguyễn Thị Hoa (du khách đến từ Hà Nội) chia sẻ: tham gia hội chợ, chị đã được tiếp cận với các đặc sản Quảng Ninh nói riêng và một số tỉnh, thành phía Bắc nói chung. Các sản phẩm chị mua về làm quà biếu người thân, bạn bè được mọi người rất yêu thích.

Thúc đẩy tiêu thụ qua kênh thương mại điện tử

Không chỉ là nơi giới thiệu, bán sản phẩm, các hội chợ OCOP diễn ra trên địa bàn tỉnh còn tạo ra "cầu nối" cho các đơn vị, doanh nghiệp tìm hiểu, kết nối giao thương, mở rộng hợp tác, đẩy mạnh cung ứng, tiêu thụ. Trong khuôn khổ Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022 đã diễn ra nhiều hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp, như: Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu giữa tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố; hoạt động tư vấn, hướng dẫn doanh nghiệp đăng ký QR-code truy xuất nguồn gốc sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp giới thiệu đơn vị, phương thức đặt hàng, hình thức thanh toán thông qua môi trường internet...

Đáng chú ý, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất đã được hỗ trợ quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử OCOP Quảng Ninh và một số sàn thương mại điện tử trong nước khác tại khu gian hàng thương mại điện tử và giải pháp số. Đồng thời, được kết nối với một số đơn vị cung ứng dịch vụ ứng dụng thương mại điện tử như: ngân hàng thương mại với hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt, ví điện tử và dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm...

Các đơn vị tham dự Hội chợ đều cho rằng, đây là cơ hội tuyệt vời để các doanh nghiệp, đơn vị tìm kiếm đối tác. Trong đó, các đơn vị giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, đặc sản phục vụ du lịch có dịp trực tiếp kết nối, tìm kiếm và đa dạng hóa sản phẩm từ chính các nhà sản xuất sản phẩm OCOP uy tín. Đồng thời, thông qua các hoạt động kết nối thiết thực cũng giúp nhà sản xuất tìm kiếm đối tác là các đại lý, các cửa hàng bán đặc sản, hàng tiêu dùng. Bên cạnh đó, nhiều đơn vị, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ các địa phương khác cũng tìm hiểu và mong muốn được đăng ký, giới thiệu sản phẩm OCOP trên sàn thương mại điện tử của tỉnh. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp OCOP của tỉnh đã được tham quan, học hỏi cải tiến chất lượng, đặc biệt về mẫu mã, bao bì, quy cách sản phẩm của các địa phương...

HUYỀN LOAN