Quảng Trị phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,2%/năm

- Thứ Năm, 04/01/2024, 12:24 - Chia sẻ

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1737/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh -0
Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ

Mục tiêu đến năm 2030, Quảng Trị đạt trình độ phát triển thuộc nhóm tỉnh khá của cả nước, có cơ cấu kinh tế cơ bản là một tỉnh công nghiệp - dịch vụ; là một trong những trung tâm kinh tế tổng hợp của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung, trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, tiểu vùng sông Mêkông (GMS). Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao.

Quảng Trị phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt 8,2%/năm.

Cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp chiếm khoảng 10,5%; phi nông nghiệp chiếm khoảng 84,5%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm khoảng 5,0%; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 140 - 170 triệu đồng/người.

Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt cả giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 434 nghìn tỷ đồng; Thuộc nhóm khá của cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số chuyển đổi số (DTI); Thuộc nhóm khá của cả nước về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

Về phát triển đô thị, nông thôn: Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 42% - 48%; 85% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Về xã hội: Chỉ số phát triển con người (HDI) 2030 đạt trên 0,75; Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 1 - 1,5%/năm; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 85%; Trên 96% dân số tham gia bảo hiểm y tế.

Về tài nguyên và môi trường: Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 49,5%, nâng cao chất lượng rừng, bảo tồn và phục hồi rừng phòng hộ ven biển; 95 - 99% dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 98% hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% khu, cụm công nghiệp hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường; 100% các cơ sở sản xuất được cấp giấy phép môi trường, xử lý dứt điểm các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích; Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị đạt 90 - 100%; nông thôn đạt 80 - 90%; xử lý 100% chất thải rắn nguy hại.

Về phát triển kết cấu hạ tầng: Phát triển đủ 5 loại hình giao thông (đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển và đường hàng không); xây dựng và nâng cấp các tuyến đường kết nối thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và các huyện với đường bộ cao tốc Bắc - Nam và các tuyến giao thông quốc gia; 100% hộ dân trên đất liền được sử dụng điện lưới quốc gia; Hoàn thiện và đưa vào vận hành các nhà máy điện khí và các nguồn năng lượng sạch đã được phê duyệt quy hoạch; Hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và thực hiện chuyển đổi số ở cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số - ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm như giáo dục, y tế, nông nghiệp, du lịch…

Phát huy có hiệu quả Hành lang kinh tế quốc tế Đông - Tây; đảm bảo đường biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.

Phòng, chống hiệu quả các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Trị trở thành tỉnh có nền kinh tế vững mạnh với cơ cấu chính là công nghiệp - dịch vụ và là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ; quốc phòng an ninh được bảo đảm, nhân dân có cuộc sống hạnh phúc.

Nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Trị là phát triển các ngành, lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm, trụ cột, trong đó xây dựng Quảng Trị trở thành Trung tâm năng lượng sạch của miền Trung; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng kết cấu hạ tầng logistic chất lượng và hiệu quả; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao; phát triển nông nghiệp hàng hóa, áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến và nông nghiệp sinh thái, hữu cơ.

Quảng Trị bảo vệ môi trường, phục hồi sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, kết hợp khai thác phát huy các giá trị sinh thái đặc thù; phát triển bao trùm, tạo điều kiện để mọi tầng lớp nhân dân có cơ hội tham gia và hưởng lợi từ thành quả phát triển, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo; an sinh xã hội.

PV
#