Quảng Nam nỗ lực vì mục tiêu an sinh

- Thứ Năm, 21/03/2024, 17:30 - Chia sẻ

Theo kế hoạch, tỉnh Quảng Nam sẽ hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.

Dự kiến chi 764,5 tỷ cho các chương trình giảm nghèo

UBND tỉnh Quảng Nam vừa ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo kế hoạch này, tỉnh Quảng Nam phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo. Đồng thời, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo từng bước thoát khỏi tình trạng khó khăn. 

Quảng Nam nỗ lực vì mục tiêu an sinh -0
Bản làng đổi mới của người Cơ Tu ở xã Ch'ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: ITN

Cụ thể, tỉnh phấn đấu giảm ít nhất 2.900 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm trên 6%...

Dự kiến, tổng kinh phí thực hiện kế hoạch năm 2024 là hơn 764,5 tỷ đồng (chưa bao gồm kinh phí thực hiện chương trình từ năm 2023 về trước chuyển sang năm 2024 thực hiện). Trong đó, ngân sách Trung ương hơn 664,8 tỷ đồng; ngân sách địa phương đối ứng hơn 99,7 tỷ đồng.

UBND tỉnh giao các sở, ngành liên quan và các địa phương triển khai phân bổ kinh phí thực hiện kế hoạch đảm bảo theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp khác để cùng với nguồn ngân sách nhà nước thực hiện đồng bộ, hiệu quả, đạt mục tiêu đề ra.

UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu việc thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững đảm bảo kịp thời, đúng mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ; phải phù hợp với khả năng cân đối ngân sách tỉnh và các địa phương. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch. 

Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án, chính sách, hoạt động khác đang triển khai trên cùng một địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về giảm nghèo bền vững.

Việc tổ chức thực hiện chương trình phải gắn với thực hiện phong trào thi đua “Quảng Nam chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam cho biết, năm 2023 với việc triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. 

Quan tâm sâu sát tới đồng bào dân tộc thiểu số

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên, trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn…

Đây cũng là mục tiêu kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2024 vừa được UBND tỉnh ban hành. 

Theo kế hoạch này, tỉnh tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư để giải quyết các vấn đề bức thiết của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo thứ tự ưu tiên. Đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu, trong đó ưu tiên các xã đặc biệt khó khăn, phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong lộ trình giai đoạn 2021-2025…

Cụ thể, tỉnh phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm trên 3%; phấn đấu hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho 499 hộ; giải quyết đất ở cho 129 hộ; hỗ trợ hộ chưa có nhà, xóa nhà tạm cho 156 hộ. 

Đồng thời, sắp xếp, ổn định dân cư cho 642 hộ; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 2.298 hộ; hỗ trợ khoán bảo vệ rừng 43.881ha; hỗ trợ bảo vệ rừng 10.845ha; hỗ trợ khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung 410ha; trồng rừng sản xuất bằng loài cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ 1.151ha.

Chương trình cũng sẽ trợ cấp gạo cho hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo tham gia khoán bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, phát triển lâm sản ngoài gỗ, rừng phòng hộ; nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở thực hiện Chương trình…

UBND tỉnh giao các cơ quan, đơn vị và địa phương thụ hưởng Chương trình trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực để thực hiện.

Bên cạnh đó, lồng ghép hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện mục tiêu, nhất là huy động các nguồn lực từ vận động các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế đăng ký hỗ trợ các địa phương và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện. 

Qua đó, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhân rộng các mô hình điển hình, tiên tiến.

Chú trọng công tác bảo vệ môi trường và cải tạo cảnh quan nông thôn; phát triển các mô hình thôn, xóm xanh, sạch, đẹp làm tiền đề cho phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh về lâu dài… 

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023 của các địa phương, tỉnh Quảng Nam còn 24.669 hộ, chiếm tỷ lệ 5,57% (giảm 4.477 hộ nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm 1,06% so với số hộ nghèo cuối năm 2022), vượt 149,2% so với kế hoạch đề ra là giảm 3.000 hộ nghèo.

Tùng Dương
#