Quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng

- Thứ Sáu, 14/06/2024, 12:10 - Chia sẻ

Thực hiện Chỉ thị số 1838/CT-BNN-BVTV ngày 28.3.2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) về tăng cường công tác quản lý mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu, thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các địa phương xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, góp phần gia tăng năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu của nông sản thủ đô.

Điển hình như: gạo hữu cơ Đồng Phú (huyện Chương Mỹ), nhãn chín muộn Đại Thành (Quốc Oai)... Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị mang lại thì việc cấp mã số vùng trồng cũng có những khó khăn, vướng mắc và cần được quản lý chặt chẽ.

Đại diện Hợp tác xã Rau an toàn Văn Đức, huyện Gia Lâm cho biết, với đặc thù là sản phẩm rau, củ quả, thời gian canh tác và bảo quản không được dài nên việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng phục vụ cho xuất khẩu cần bảo đảm nhanh và linh hoạt; khi thời gian kiểm định chất lượng quá dài thì rau quả dễ hỏng hoặc quá lứa không bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu.

Xây dựng mã số vùng trồng không chỉ tạo điều kiện thuận lợi khi tiêu thụ trên thị trường trong nước và xuất khẩu, mà còn có tác động, thay đổi nhận thức, tập quán canh tác của người dân, chuyển hướng sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp chuyên nghiệp và bền vững hơn.

Quản lý chặt chẽ việc cấp mã số vùng trồng -0

Ðể được cấp mã số vùng trồng, quá trình sản xuất các sản phẩm cây trồng cần bảo đảm các yêu cầu như có quy trình kiểm soát được sinh vật gây hại ở mức độ thấp và được cấp phép sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của nước nhập khẩu. Ngoài ra, vùng trồng phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và bảo đảm giảm thiểu sinh vật gây hại, áp dụng tiêu chuẩn VietGAP; có sổ nhật ký đồng ruộng, ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ sản xuất…

Để đẩy mạnh việc xây dựng hiệu quả mã số vùng trồng, các địa phương cần hướng dẫn nông dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất, theo dõi, giám sát và xử lý các loại sâu bệnh. Các doanh nghiệp, hợp tác xã xuất khẩu cần tổ chức liên kết chuỗi sản xuất thực chất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật để kiểm soát được từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong thời kỳ 4.0, bối cảnh phát triển, sự cạnh tranh của các mặt hàng nông sản ngày càng tăng và bên cạnh chất lượng, vấn đề truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm... ngày càng trở nên quan trọng. Việc đăng ký mã số vùng trồng là một cơ sở quan trọng để khẳng định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của nông sản, qua đó, xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín trên thị trường.

(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)

Anh Việt