Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: "Nghệ An luôn sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư"

- Thứ Ba, 06/02/2024, 09:59 - Chia sẻ

Trước thềm Xuân mới Giáp Thìn 2024, Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu đã có cuộc trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân về những kết quả đạt được sau một năm triển khai Đề án 06 và nhưng nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo.

Năm 2023 là một năm đầy biến động với nhiều khó khăn và thách thức. Nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả nổi bật, ấn tượng. Vậy xin ông chia sẻ cụ thể về những kết quả?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Năm 2023, cùng với cả nước, tỉnh Nghệ An triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện gặp nhiều khó khăn do tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp với nhiều thách thức lớn hơn dự báo. Kinh tế trong nước và tỉnh Nghệ An bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là về thị trường xuất khẩu, sức mua của thị trường nội địa, sản xuất, kinh doanh tăng chậm.

Bên cạnh đó, thiên tai, hạn hán, lũ lụt diễn biến phức tạp gây thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân.

Trong bối cảnh đó, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm, giúp đỡ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, Ngành Trung ương; Đặc biệt là sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy; sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của HĐND tỉnh và các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, linh hoạt và hiệu quả của UBND tỉnh, sự nỗ lực của người dân, các địa phương, doanh nghiệp... Tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục giữ được ổn định và phát triển.

PBT Tỉnh ủy Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu: Sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư -0
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu chia sẻ với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân.

Cụ thể: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt 7,14% (đứng thứ 26 cả nước, thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ). Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội thực hiện gần 95.000 tỷ đồng (tăng 10,61% so với năm 2022. Thu ngân sách hơn 21.000 tỷ đồng (đạt 134,2% kế hoạch). Tỉnh đã cấp mới cho 120 dự án; điều chỉnh 190 lượt dự án; tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm của các dự án đạt hơn 58.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần mục tiêu đề ra. Đặc biệt, Nghệ An tiếp tục nằm trong nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh đạt trên 1,6 tỷ USD.

Phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) tiếp tục được đẩy mạnh. Đến nay, tỉnh đã có 319/411 xã đạt chuẩn NTM, trong đó 88 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; có 10 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM.

Trong năm 2023 đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng đường cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu, đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) đến Cửa Lò. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng lên, kết quả thi tốt nghiệp phổ thông năm 2023 Nghệ An xếp thứ 22 toàn quốc, tiếp tục giữ vững vị trí tốp đầu toàn quốc về thành tích học sinh giỏi quốc gia, khu vực, quốc tế…

Để đạt được những kết quả nêu trên, tỉnh Nghệ An đã có những cách làm, giải pháp như thế nào?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Thường trực, Ban thường vụ Tỉnh ủy luôn phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, thẳng thắn, thống nhất trên nguyên tắc tập trung dân chủ; có phương pháp, khoa học, chủ động, linh hoạt, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát và thực hiện nghiêm quy chế làm việc.

Bên cạnh đó, tập trung xử lý nhanh, quyết liệt các yêu cầu đặt ra trước sự đòi hỏi phát triển, nhất là những vấn đề tồn đọng, hạn chế trong các lĩnh vực như: các dự án chậm tiến độ, khai thác khoáng sản, cải cách hành chính, sáp nhập địa giới hành chính, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người khó khăn về nhà ở…

Thực hiện 3 nhiệm vụ trọng tâm chiến lược, cụ thể: Sẵn sàng về nguồn nhân lực khi toàn tỉnh có quy mô dân số hơn 3,4 triệu người, trong đó có hơn 1,6 triệu người trong độ tuổi lao động; trên địa bàn tỉnh có 6 trường đại học, 11 trường cao đẳng và 70 cơ sở đào tạo nghề, hằng năm bổ sung vào thị trường lao động khoảng 45.000 người.

PBT Tỉnh ủy Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu: Sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư -0
Trong tương lai Nghệ An sẽ trở thành trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ.

Tập trung cải cách hành chính, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Tỉnh luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư; coi khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư là của tỉnh để giải quyết; giải quyết thủ tục đúng và nhanh nhất.

Xây dựng cơ sở hạ tầng; đầu tư trọng tâm trọng điểm không dàn trải. Sẵn sàng về hạ tầng thiết yếu. Ngoài các hạ tầng dùng chung, tỉnh tập trung huy động nguồn lực đầu tư để hoàn thiện kết cấu hạ tầng quan trọng, thiết yếu.

Tỉnh Nghệ An vừa công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 với mục tiêu tổng quát xây dựng thành tỉnh khá của cả nước, là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ. Vậy xin ông chia sẻ một số nội dung quan trọng về vấn đề này?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Nghệ An nằm ở trung tâm Vùng Bắc Trung Bộ, với diện tích tự nhiên 16.486,5 km2, lớn nhất cả nước; có bờ biển dài 82 km và 468,281 km đường biên giới. Vị trí địa lý tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong kết nối, giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam của cả nước và Hành lang kinh tế Đông - Tây gắn với nước CHDCND Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan; xây dựng và phát triển kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế.

Nghệ An đã đưa nội dung lập quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Tháng 09/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong thời gian qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đã triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 10,5- 11,0%/năm; Năng suất lao động tăng bình quân 10-11%/năm; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng bình quân khoảng 12%/năm...

Quy hoạch tỉnh Nghệ An đưa ra các định hướng phát triển trọng tâm gồm: 2 khu vực động lực tăng trưởng; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hình thành và phát triển 4 hành lang kinh tế gắn với các lĩnh vực trọng tâm; phát triển 5 lĩnh vực kinh tế trụ cột và xây dựng 6 trung tâm đô thị tạo động lực dẫn dắt phát triển.

Để giữ vững đà tăng trưởng năm 2023 và đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện những mục tiêu, giải pháp như thế nào?

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu: Thứ nhất, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách của tỉnh đã được Bộ Chính trị thông qua tại Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 và triển khai thực hiện Nghị quyết số 36/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An để phát huy hiệu quả của cơ chế, chính sách trong thu hút đầu tư.

PBT Tỉnh ủy Nghệ An, Hoàng Nghĩa Hiếu: Sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư -0
Tỉnh Nghệ An luôn sát cánh, đồng hành cùng các nhà đầu tư để phát triển kinh tế.

Thứ hai, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Tiếp tục hoàn thiện, trình thẩm định, phê duyệt đề án mở rộng KKT Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Gấp rút triển khai công tác giải phóng mặt bằng để triển khai Khu công nghiệp VSIP Nghệ An II, Khu công nghiệp Hoàng Mai II... để sẵn sàng đón các nhà đầu tư.

Thứ ba, huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu theo Đề án phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, như: Cảng nước sâu Cửa Lò; đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2), đường giao thông nối từ QL7C (Đô Lương) đến đường Hồ Chí Minh (Tân Kỳ), đường ven biển từ Nghi Sơn (Thanh Hóa) – Cửa Lò (Nghệ An)…, phối hợp với Bộ GTVT để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An.

Thứ tư, tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ năm, tăng cường hỗ trợ, chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư thứ cấp từ làn sóng đầu tư mới. Đồng thời chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Thứ sáu, tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An cam kết sẽ tiếp tục sát cánh, đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về chính sách, về môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư; luôn quyết tâm cao và hành động thực chất để Nghệ An trở thành địa bàn đầu tư: “Thuận lợi, tin cậy và hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài”; là “điểm tựa” để tỉnh Nghệ An sớm đạt đạt mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực phía Bắc, năm 2030 trở thành tỉnh khá của cả nước như mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt ra.

Xin trân trọng cảm ơn ông! 

Nguyễn Tú - Xuân Sinh
#