Nghệ An: Khơi dậy ý chí tự lực tự cường để thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn

- Thứ Năm, 02/05/2024, 14:41 - Chia sẻ

Mấy năm gần đây, nhờ có nhiều chủ trương, chính sách sát, đúng, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thay đổi lối suy nghĩ cũ, nâng cao ý thức tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, có ý thức vươn lên để cuộc sống tốt hơn. Góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn miền núi biên giới.

Ý chí thoát nghèo để vươn lên làm giàu

Cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án lớn từ chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước dành cho niền núi như chương trình 134, 135, 30a và chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 - 2024, Kỳ Sơn còn lồng ghép linh hoạt trong việc huy động các nguồn lực để xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả, phù hợp với từng địa bàn. Từ đó khơi dậy ý chí tự lực vượt qua khó khăn, không chỉ chăm lo lao động sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình.

Gia đình ông Lo Văn Nghệ ở bản Khe Nằn xã Chiêu Lưu (Kỳ Sơn) có 8ha đất rừng. Trước đây do thiếu kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi nên đất rừng của gia đình ông chủ yếu là rừng hoang và khai thác nguồn lợi theo cách tự nhiên. Nhờ được tập huấn, hướng dẫn về khuyến nông nên gia đình ông trồng 5ha keo, mét, cây ăn quả, chăn nuôi lợn, gà và đàn bò 15 con.

Nghệ An: Khơi dậy ý chí tự lực tự cường để thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn -0
Kết hợp chăn nuôi, trồng rừng và cây ăn quả, nhiều gia đình có thu nhập cao

Ông tâm sự: “Hàng năm sau khi thu hoạch, cộng các khoản, gia đình thu nhập 70 – 80 triệu đồng. Nhờ vậy nên gia đình có điều kiện làm nhà mới, mua sắm đồ dùng sinh hoạt và tích lũy”. Đứng chân tại xã Huồi Tụ (Kỳ Sơn), hàng năm Tổng đội TNXP 8 tiêu thụ 150 tấn búp chè tươi Tuyết san cho 50 hộ người dân tộc thiểu số H.Mông của xã và vùng phụ cận, sau khi chế biến cho 30 tấn Hồng trà và 1 tấn trà thường thành phẩm.

Với năng suất 2,5 tấn/ha, năm 2023 gia đình ông Lỳ Chồng Nai bản Trung Tâm xã Huồi Tụ bán 6,2 tấn búp chè tươi cho thu nhập 62 triệu đồng, là gia đình có thu nhập cao nhất trong vùng. Nhiều hộ dân của xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) nhờ vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế nên xây dựng được nhiều mô hình trang trại, gia trại mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã và huyện.

Ông La Văn Hà Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) chia sẻ: “Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã khơi dậy và tiếp sức để nhiều hộ gia đình thoát nghèo vươn lên làm giàu thông qua việc phát triển các mô hình kinh tế. Qua đó, ý thức của người dân trong phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới được nâng lên rõ rệt”.

Nghệ An: Khơi dậy ý chí tự lực tự cường để thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn -0
Tiêu thụ sản phẩm chè giúp nhiều gia đình người dân tộc thiểu số thoát nghèo

Quả ngọt từ nỗ lực thoát nghèo

Là huyện miền núi biên giới, Kỳ Sơn - một trong những huyện nghèo và khó khăn nhất cả nước. Huyện có 19/21 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, dân cư sống rải rác, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số Thái, Khơ Mú và H.Mông, giao thông đi lại khó khăn, cách trở. Hiện huyện đang triển khai 17 dự án, 2 chương trình hỗ trợ cho trên 13.000 lượt hộ nghèo.

Đặc biệt huyện đang thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022 – 2024 với 7 dự án và 10 tiểu dự án gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng  kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, truyền thông và giảm nghèo về thông tin và nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá chương trình.

Hiệu quả từ các chương trình và dự án là khơi dậy sức mạnh nội lực được huy động từ nguồn lao động tại chỗ, nâng cao ý thức xóa đói nghèo của người dân và huy động được sức mạnh tổng hợp từ cộng đồng xã hội đối với người nghèo. Hàng năm thông qua chương trình quỹ hỗ trợ vì người nghèo, đã có hàng tỷ đồng được huy động từ các doanh nghiệp, chung tay cùng chính quyền các cấp để hỗ trợ cho người nghèo của huyện. Bằng cách lồng ghép linh hoạt các cơ chế, chính sách lớn cùng với huy động nguồn lực địa phương, công cuộc xóa đói giảm nghèo của Kỹ Sơn đạt nhiều hiệu quả thiết thực.

Nghệ An: Khơi dậy ý chí tự lực tự cường để thoát nghèo tại huyện Kỳ Sơn -0
Mô hình nuôi lợn nái đen của Hội liên hiệp phụ nữ Kỳ Sơn

Năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo của huyện chiếm 59,36% thì đến năm 2023 giảm còn 49,68% và dự kiến đến cuối 2025 số hộ nghèo còn 40%. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế cần được tháo gỡ. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp (cho không) với người nghèo nên chưa làm thay đội nhận thức, chưa có tác dụng khuyến khích, phấn đấu tự vươn lên thoát nghèo. Một số hộ nghèo, xã nghèo có tư tưởng không muốn thoát nghèo nên kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra, bà Vi Thị Quyên – Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt là người dân để tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức và hành động trong giảm nghèo bền vững. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, khơi dậy chí chí tự lực tự cường của người nghèo, không trông chờ, ỷ lại để thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên quê hương mình.

Hồng Sơn - Nguyễn Phê
#