Ngành giáo dục Kon Tum vượt khó "trồng người"

- Thứ Sáu, 29/12/2023, 09:02 - Chia sẻ

Với quyết tâm tiếp tục thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, trên địa bàn tỉnh Kon Tum, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ưu tiên nguồn lực giáo viên,  cơ sở vật chất

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực, song việc phát triển giáo dục và đào tạo vùng Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng vẫn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Việc rà soát, sắp xếp mạng lưới trường, lớp ở một số nơi còn chưa thực sự hợp lý, hiệu quả, chưa bảo đảm môi trường thuận lợi và công bằng trong tiếp cận học tập cho trẻ em, học sinh. Vẫn còn tình trạng thiếu phòng học, nhiều phòng học đã xuống cấp, phải học nhờ, học tạm; thiếu nhà thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch. Đặc biệt, điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú ở các trường phổ thông dân tộc bán trú và các trường có học sinh bán trú, học sinh các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu tối thiểu. Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ. Trong khi đó, các chính sách đãi ngộ chưa đủ sức thu hút giáo viên, đặc biệt là giáo viên giỏi lên công tác tại các địa bàn khó khăn; nguồn tuyển dụng giáo viên không đủ.

Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 15.11.2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ đã cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu tại Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, ngành giáo dục xác định mục tiêu: đến năm 2030, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng; nâng cao trình độ dân trí, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững.

Với đặc trưng của vùng Tây Nguyên, bao gồm những thuận lợi và khó khăn đan xen, để triển khai thực hiện được các mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của tỉnh đến năm 2030 tầm nhìn đến 2045, tỉnh Kon Tum đặt ra mục tiêu sẽ tập trung các chính sách tốt nhất để ưu tiên nguồn lực giáo viên giỏi, bảo đảm định mức giáo viên theo quy định nhóm, lớp, phấn đấu xóa bỏ 100% phòng học nhờ, phòng học tạm; xây mới trường học theo dự báo quy hoạch mạng lưới trường lớp của các địa phương; bổ sung đủ thiết bị dạy học theo quy mô từng trường.

Cụ thể về giáo dục mầm non, bảo đảm 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục theo chương trình toàn diện, phù hợp với điều kiện vùng, miền, dân tộc và đặc điểm riêng của trẻ. Có ít nhất 25% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 95% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo được đến cơ sở giáo dục, trong đó có 60% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tăng cường học tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi.

Về giáo dục phổ thông, toàn tỉnh phấn đấu trên 80% cơ sở giáo dục tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trên 65% trường THCS, THPT đạt chuẩn quốc gia, trên 85% học sinh DTTS tốt nghiệp THPT tham gia học đại học và cao đẳng, trung cấp hoặc đào tạo nghề.

Về giáo dục thường xuyên và đại học, sẽ đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng quyền tự chủ của các đơn vị gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường phối hợp, liên kết giữa các ngành, tổ chức, đơn vị, cơ sở giáo dục, cơ sở văn hóa thể thao để tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng thiết thực, hiệu quả gắn với phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường tổ chức các lớp phổ biến kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ và xóa mù chữ gắn với dạy nghề truyền thống, dạy nghề ngắn hạn. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh có 1 trường Đại học đa ngành nghề cùng với Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum bảo đảm về cơ cấu đội ngũ và chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực tại địa phương; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhiều giải pháp thiết thực

Ngành giáo dục tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2045, mạng lưới cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh phải phát triển toàn diện, phù hợp với quy mô dân số, tăng số cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông ngoài công lập nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh. Mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng giáo dục chuyên sâu như xây dựng trường THPT chuyên với quy mô 2.000 học sinh cũng được tỉnh đặt ra.

Theo đó, để bảo đảm chất lượng giáo dục chuyên sâu và toàn diện, ngành giáo dục của tỉnh đề ra nhiều giải pháp thiết thực như: tập trung rà soát việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng giáo viên hợp lý, hiệu quả; đồng thời có biện pháp lâu dài để quy hoạch, tuyển dụng và bố trí đủ giáo viên dạy đúng và đủ các môn học, bảo đảm đội ngũ giáo viên tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, giáo viên các môn nghệ thuật. Chủ động nguồn tuyển dụng giáo viên thông qua hình thức đào tạo mới theo địa chỉ, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời, công tác nâng cao chất lượng cán bộ quản lý cũng được xem là giải pháp then chốt.

Ngoài ra, tỉnh sẽ triển khai thực hiện các giải pháp nhằm duy trì vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục; triển khai thực hiện tốt Kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó quan tâm chỉ đạo việc củng cố, nâng cao các tiêu chuẩn để giữ vững trường đạt chuẩn quốc gia). Tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; khai thác có hiệu quả kho học liệu số; tăng cường các điều kiện bảo đảm và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học trực tuyến.

Đức Trí