Nâng cao chất lượng, phát triển bền vững:

Hướng tới một nền nông nghiệp đô thị thông minh

- Thứ Ba, 20/09/2022, 06:18 - Chia sẻ

Với khát vọng hướng tới một nền nông nghiệp đô thị thông minh, ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp Hà Nội đang tập trung đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.

Xây dựng nhiều mô hình sản xuất an toàn

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, hiện nay, hầu hết các huyện đã hình thành vùng sản xuất rau an toàn. Toàn thành phố có khoảng 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ và có khoảng hơn 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông nghiệp Thủ đô.

Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao trong sản xuất, chất lượng, tăng giá trị
Hà Nội nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dựng công nghệ cao trong sản xuất, chất lượng, tăng giá trị

Một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đó là HTX sản xuất và tiêu thụ rau hữu cơ công nghệ cao Cuối Quý, xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng. Giám đốc HTX Đặng Thị Cuối cho biết: So với trồng rau truyền thống, rau trồng trong nhà màng là môi trường hoàn toàn sạch, không nhiễm khuẩn cũng như không có thuốc bảo vệ thực vật. Rau có thể trồng được quanh năm vì không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, gió, bão, nắng nôi, canh tác cho năng suất cao hơn rau truyền thống, đặc biệt, trên mỗi bó rau Cuối Quý được đóng gói in mã vạch, khách hàng chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã vạch là biết được địa chỉ, quy trình sản xuất.

Tương tự, HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) cũng là một trong những mô hình sản xuất an toàn tiêu biểu của Hà Nội. Bên cạnh áp dụng quy trình sản xuất của Nhật Bản, HTX đã lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G, làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, HTX đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình. Mỗi ngày, HTX thu hoạch gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết.

Ngoài các mô hình sản xuất rau, củ quả an toàn, Hà Nội còn xây dựng thêm nhiều trang trại chăn nuôi an toàn sinh học và vùng nuôi trồng thủy sản an toàn. Điển hình như mô hình nuôi cá công nghệ cao theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Đoàn Ngọc Khuyên (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì). Theo ông Khuyên, khi áp dụng quy trình nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, ông có thể theo dõi, quản lý được suốt quá trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, năng suất xuất bán ra thị trường lớn với giá trị cao hơn”.

Phó Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết hiện thành phố đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, công nghệ và thiết bị thông minh ở hầu hết các quận, huyện còn sản xuất nông nghiệp. Thành phố đã xây dựng, phát triển 159 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản, trong đó 53 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc động vật và 106 chuỗi sản phẩm nguồn gốc thực vật. Các chuỗi đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia hợp tác xây dựng, cung cấp hàng nghìn tấn nông sản sạch cho người tiêu dùng Thủ đô. Bên cạnh đó, Sở cũng đã ký kết với 28 tỉnh, thành phố trên cả nước về Chương trình phối hợp bảo đảm an toàn thực phẩm giai đoạn 2021 - 2025. Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã lựa chọn Hà Nội là địa phương để triển khai dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”. Theo đó, ngành nông nghiệp Hà Nội lựa chọn một số chuỗi để hỗ trợ toàn diện về hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, mẫu mã, bao bì, thị trường... làm mô hình điểm, từ đó nhân rộng trên địa bàn thành phố.

Tăng cường kiểm soát chất lượng

Theo Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng, cùng với việc triển khai tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông, lâm, thủy sản an toàn; vận động doanh nghiệp, người dân đầu tư, xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, xây dựng các chuỗi sản xuất thực phẩm an toàn; chi cục đã tiến hành lấy mẫu giám sát thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên diện rộng; thanh tra đột xuất, xử lý kịp thời các vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm trên thị trường.

Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức Lễ ký kết và khởi động triển khai Kế hoạch phối hợp “Hỗ trợ Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông lâm thủy sản bền vững”. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ thành phố Hà Nội xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản bền vững. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, tổ chức truyền thông quảng bá, kết nối, xúc tiến thương mại một số sản phẩm thuộc chuỗi. Đây là điều kiện thuận lợi để Hà Nội triển khai nhanh và có hiệu quả Dự án “An toàn thực phẩm vì sự phát triển”.

Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản NGUYỄN NHƯ TIỆP

Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội đã phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra tại 55 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Qua thanh tra, kiểm tra xử phạt 19 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 298 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ để chế biến thực phẩm; vi phạm các điều kiện chung bảo đảm an toàn thực phẩm, sai nhãn sản phẩm... Cùng với đó, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội đã tiếp nhận và phân tích 236 mẫu thực phẩm nông, lâm, thủy sản phục vụ công tác chứng nhận chất lượng sản phẩm. Việc kiểm tra lấy mẫu giám sát chất lượng an toàn thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện vi phạm trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản, đặc biệt là sản phẩm tươi sống như rau, thịt cung cấp ra thị trường.

Có thể thấy rằng, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp nông nghiệp Hà Nội chuyển mình từ nền nông nghiệp truyền thống sang nền nông nghiệp thông minh, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần vào sự phát triển chung của ngành nông nghiệp và cả nước.

_______
(Chương trình phối hợp với Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản)

ĐÀO CẢNH