Hà Nội phát huy tiềm năng, lợi thế “đất trăm nghề”

- Chủ Nhật, 21/04/2024, 08:46 - Chia sẻ

Với hàng nghìn làng nghề và làng có nghề, trong đó có 327 làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận, Hà Nội xác định phát triển ngành nghề nông thôn là nhiệm vụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Thêm 15 làng nghề được công nhận

Hà Nội hiện có 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó 327 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc địa bàn 24 quận, huyện, thị xã. Các sản phẩm của làng nghề nhiều đa dạng chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước như sản phẩm may mặc; thủ công mỹ nghệ; đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thiêu ren, đan lát; chế biến nông sản thực phẩm...

Các làng nghề đã, đang góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố. Tính đến nay, có 745/2.711 sản phẩm OCOP trên địa bàn là sản phẩm của làng nghề chiếm 27,48% tổng sản phẩm OCOP toàn thành phố.

Năm 2023, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã công nhận 15 làng nghề, làng nghề truyền thống, đưa tổng số làng nghề của Hà Nội được công nhận đến nay là 327 làng nghề, làng nghề truyền thống. Sau khi được công nhận danh hiệu làng nghề, các làng nghề đã và đang duy trì hoạt động hiệu quả, một số làng nghề đã thành lập Hội làng nghề hoặc Ban quản lý làng nghề (tiền thân của Hội làng nghề) để hỗ trợ, liên kết giữa các hộ sản xuất kinh doanh trong làng nghề như làng nghề chế biến nông sản thông Thuận Quang, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm; làng nghề mây tre đan Lưu Thượng, xã Phú Túc, các làng nghề khảm trai xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên…

Sản phẩm làng nghề được thành phố công nhận năm 2023
Sản phẩm làng nghề được thành phố công nhận năm 2023

Theo chủ cơ sở chè kho Bằng An - một trong hơn 40 cơ sở chuyên làm bánh chè kho làng nghề truyền thống xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất Kiều Thị Kim Khánh cho biết: chè kho tại xã Đại Đồng là sản phẩm làng nghề truyền thống có từ lâu đời, nay bắt kịp xu thế với việc áp dụng kỹ thuật công nghệ vào sản xuất cùng kỹ thuật truyền thống, đến nay sản phẩm được đông đảo người tiêu dùng trong cả nước biết đến, trong đó sản phẩm chè lam của cơ sở Bằng An tham dự chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao được thành phố công nhận. Đặc biệt, sản phẩm cũng được lãnh đạo Đảng, Nhà nước sử dụng trong các buổi tiệc chiêu đãi nguyên thủ các quốc gia đến thăm và làm việc tại nước ta.

Tương tự, làng nghề chế biến nguyên liệu khảm và khảm trai sơn mài truyền thống tại xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, nghệ nhân làng nghề Vũ Văn Ca cho biết: với danh hiệu cao quý khi được công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống của Hà Nội, cán bộ và nhân dân các làng nghề xã Chuyên Mỹ rất tự hào, quyết tâm giữ vững và phát huy thế mạnh của làng nghề, phát triển sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy vậy, nhằm phát huy những thế mạnh đã đạt được, TP. Hà Nội cần tạo điều kiện thuận lợi để xã phát triển du lịch gắn với làng nghề cũng như hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm làng nghề đến với du khách trong và ngoài nước.

Phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch

Thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; hỗ trợ phát triển làng nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống làng nghề... là điểm sáng của huyện Phú Xuyên. Theo chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh: huyện có 43 làng nghề truyền thống đã được thành phố công nhận và 9 làng nghề vừa được công nhận làng nghề trong năm 2023. Trong những năm qua, việc phát triển làng nghề là chủ trương của huyện nhằm bảo tồn, khích lệ giá trị văn hóa cũng như giá trị tinh thần của người dân địa phương, từ đó đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá, gắn kết làng nghề với phát triển du lịch, qua đó đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, phát triển hơn nữa các làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện.

Để tìm đầu ra cho sản phẩm, huyện chủ động thành lập sàn thương mại điện tử nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Huyện cũng chủ động thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề tại xã Chuyên Mỹ. Tại đây, các nghệ nhân lành nghề cùng thế hệ trẻ gặp mặt, trao đổi kinh nghiệm, bàn bạc thiết kế cho ra các sản phẩm mới hơn, bắt kịp với xu thế thời đại để sản phẩm làng nghề tiếp tục phát triển, quảng bá rộng rãi đến với người tiêu dùng.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, thủ đô Hà Nội được gọi là “đất trăm nghề”, vì vậy xác định phát triển ngành nghề nông thôn là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa rất lớn nhằm khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân; góp phần tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ và du lịch nông thôn; thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển bền vững.

Để các làng nghề tiếp tục phát triển, năm 2024, thành phố tập trung tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước của thành phố về vai trò, ý nghĩa của việc bảo tồn, phát triển làng nghề sẽ được TP. Hà Nội chú trọng nhằm để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, thống nhất về nhận thức và hành động. Cùng với đó, thường xuyên rà soát các văn bản về cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề; điều chỉnh, bổ sung và thống nhất triển khai trên địa bàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề.

Hà Nội cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền. Chủ động phối hợp với các Sở liên quan hướng dẫn UBND cấp huyện rà soát xây dựng hồ sơ đề nghị xét công nhận danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội, góp phần đưa chương trình số 04 của Thành ủy về đích trước 1 năm, với mục tiêu năm 2024 tham mưu thành phố công nhận danh hiệu “làng nghề, nghề truyền thống và làng nghề truyền thống” Hà Nội cho 26 làng nghề.

Khánh Duy
#