Hà Nội: Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão

- Thứ Hai, 01/07/2024, 16:57 - Chia sẻ

Để chủ động ứng phó trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội đã ban hành công văn về việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thuỷ lợi  trên địa bàn TP. Hà Nội trước mùa mưa lũ năm 2024.

Tiềm ẩn nguy cơ

Theo báo cáo số 112/BC-SNN ngày 26.4.2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình thuỷ lợi trên địa bàn TP. Hà Nội trước mùa mưa lũ năm 2024 cho thấy, hiện nay, hệ thống thuỷ lợi TP. Hà Nội được phân thành 3 vùng, phù hợp trên nguyên tắc quản lý nguồn nước theo các lưu vực sông và phù hợp với việc phân vùng được quy định trong quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt, bao gồm: Vùng Hữu sông Đáy gồm Thị xã Sơn Tây và các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Phúc Thọ, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; Vùng Tả sông Đáy gồm: Các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai và các huyện: Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Trì, Thanh Oai, Ứng Hòa, Thường Tín và Phú Xuyên; Vùng Bắc Hà Nội gồm: Quận Long Biên và các huyện Mê Linh, Sóc Sơn,  Đông Anh, Gia Lâm.

bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão -0
Công nhân Công ty TNHH một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ kiểm tra, bảo dưỡng thiết bị tại cống Liên Mạc ở quận Bắc Từ Liêm. Ảnh CGTĐTTP

Hiện, hệ thống công trình thuỷ lợi trên địa bàn TP. Hà Nội có 550 hồ, đập, trong đó có 89 hồ chứa thủy lợi, 461 bai, đập công trình, 1.984 trạm bơm… Mặc dù hệ thống công trình thủy lợi này được duy tu, bảo dưỡng, công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ đã được thực hiện theo quy định nhưng trong quá trình quản lý, vận hành đã nảy sinh một số những bất cập.

Cụ thể, do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, đặc biệt khu vực Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Mê Linh, Đông Anh, Hà Đông, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín... đã tạo áp lực rất lớn cho việc tiêu thoát nước. Mặt khác, các trục tiêu chính chưa đáp ứng kịp yêu cầu chứa và tiêu nước khi có lượng mưa lớn, kéo dài. 

Đặc biệt, một số công trình thuỷ lợi được xây dựng từ những năm 1960 - 1970, đến nay quy mô và máy móc, thiết bị lạc hậu, năng lực hiện tại chưa đáp ứng yêu cầu  thực tế. Nhiều tuyến kênh bị bồi lắng, mặt cắt kênh không đảm bảo so với thiết kế ban đầu, nhiều đoạn bờ nhỏ, thấp thường bị tràn khi có mưa to.

Vẫn còn tình trạng lấn chiếm đổ rác, phế thải, vật liệu vào công trình thuỷ lợi ảnh hưởng đến năng  lực dẫn nước tưới tiêu. Cùng với đó là tốc độ đô thị hóa, các cụm, điểm công nghiệp, đường giao thông phát triển dẫn đến hệ thống công trình thuỷ lợi bị chia cắt, manh  mún, xảy ra tình trạng một số nơi bị úng, ngập cục bộ.

Bên cạnh đó, đa số các đập, hồ chứa nước được đầu tư xây dựng từ lâu, qua thời gian dài đưa vào khai thác sử dụng một số hồ đã xuống cấp, nhiều hồ chứa nước nhỏ chưa được xây dựng quy trình vận hành, với các hư hỏng chủ yếu như bồi lắng làm giảm dung tích trữ; thân đập bị thấm, xuất hiện các tổ mối; tràn xả lũ, cống lấy  nước hư hỏng, xuống cấp... Hiện còn 16 hồ, đập cần cải tạo, nâng cấp, sửa chữa lớn  để đảm bảo an toàn; 6 hồ, đập cần sửa chữa nhỏ…

 Chủ động các giải pháp ứng phó kịp thời

Trước thực tế trên, để đảm bảo phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh và phòng chống thiên tai năm 2024 và các năm tiếp theo, đồng thời phát huy năng lực, hiệu quả các công trình  thuỷ lợi trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn chỉ đạo sửa chữa, chống xuống cấp các công trình thuỷ lợi được giao  quản lý theo phân cấp; nạo vét hệ thống kênh, mương, đảm bảo 100% công trình  vận hành an toàn, hiệu quả.

bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa bão -0
Hồ Suối Hai tại huyện Ba Vì, TP. Hà Nội. Ảnh KTĐT

Cùng với đó, các quận, huyện, thị xã cần phối hợp chặt chẽ với các công ty thuỷ lợi trong việc quản lý, khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi trên địa bàn; xây dựng phương án vận hành công trình đảm bảo phục vụ chống úng đối với các hệ thống công trình thuỷ lợi được giao quản lý theo phân cấp.

Đồng thời, thường xuyên tổ chức phổ biến, tuyên truyền trong Nhân dân các quy định của pháp luật về khai thác và bảo bảo vệ công trình thuỷ lợi; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức khai thác công trình thuỷ lợi trên địa bàn. Kiên quyết trong việc ngăn chặn, xử phạt, giải toả các vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thuỷ lợi, không để vi phạm mới phát sinh tồn tại, tái vi phạm. Tổ chức giải tỏa ngay các vụ vi phạm làm cản trở dòng chảy trên hệ thống kênh, mương, đặc biệt là trục chính sông Nhuệ và các hệ thống tưới, tiêu chính.

Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội cũng yêu cầu các công ty thuỷ lợi thực hiện đầy đủ các quyền, trách nhiệm của tổ chức khai thác công trình  thuỷ lợi theo quy định. Trong đó, thực hiện tốt công tác duy tu, bảo dưỡng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các  công trình thuỷ lợi đảm bảo công trình vận hành an toàn phục vụ sản xuất và chống úng năm 2024.

Tiến hành tu bổ, sửa chữa hư hỏng các trạm bơm, cống tiêu, hồ, đập, thiết bị điện; nạo vét bể hút trạm bơm, kênh, mương, đặc biệt hệ thống công trình phục vụ chống úng. Phân công nhân lực thường trực tại các công trình  trọng điểm, các công trình xung yếu có nguy cơ xảy ra sự cố.

Quán triệt đến người lao động biện pháp ứng phó với các diễn biến bất thường của thời tiết trên địa bàn phục vụ. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình  thuỷ lợi, phải có giấy phép theo quy định để đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn và năng lực phục vụ sản xuất, dân sinh và phòng chống thiên tai của công  trình thuỷ lợi.

Bảo Ngân
#