Đồng Nai: Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp

- Thứ Năm, 23/03/2023, 16:39 - Chia sẻ

Sáng 23.3, UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hội nghị gặp gỡ đại diện bà con nông dân, các nhà khoa học, quản lý… để cùng trao đổi tìm giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp trong năm 2023. Đây là lần đầu tiên tỉnh Đồng Nai tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc và phát triển nông nghiệp bền vững.

Mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho biết: "Thời gian qua, nông dân phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức như giá cả vật tư đầu vào tăng cao; xuất khẩu nông lâm thủy sản có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các nhân tố kinh tế, chính trị; chi phí vận chuyển tăng mạnh. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng gia tăng kiểm soát hàng hóa dẫn đến xuất khẩu qua thị trường này cũng khó khăn hơn trước. Dù vậy, hiện nay bức tranh kinh tế xã hội của tỉnh Đồng Nai đã nhiều khởi sắc, từng bước phục hồi mạnh mẽ, đạt kết quả tích cực".

Cụ thể: 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội vượt mục tiêu Nghị quyết: Tốc độ tăng trưởng kinh tế; GRDP bình quân đầu người; Kim ngạch xuất khẩu; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội; Tổng thu ngân sách... Tổng sản phẩm quốc nội trên địa bàn tỉnh tăng 9,22% so với cùng kỳ, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,89% trong năm 2022.

Đồng Nai: Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp -0
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi chủ trì hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc và phát triển nông nghiệp bền vững lần đầu tiên của tỉnh Đồng Nai.

Nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai tiếp tục được định hướng và phát triển theo quy luật kinh tế hàng hóa, năng suất, chất lượng hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, từng bước nâng chất lượng giá trị của sản phẩm.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đã và đang đặt ra mục tiêu chiến lược phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Tập trung chỉ đạo xây dựng vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn với chế biến, thị trường. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi. Đặc biệt là hướng dẫn, định hướng các địa phương, nhất là các vùng trọng điểm sản xuất trái cây, chăn nuôi, thủy sản.

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Tính đến tháng 12.2022, tỉnh Đồng Nai đạt tổng đàn heo khoảng 2,5 triệu con, gia cầm khoảng 28 triệu con (đàn gà 26,6 triệu con; đàn trâu và bò khoảng 93.000 con). Thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi cơ bản ổn định, giá các sản phẩm heo, gà và trứng gia cầm có xu hướng tăng và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng. Song, những biến động về giá thức ăn chăn nuôi, giá con giống và các chi phí khác đều tăng cao đã làm lợi nhuận người chăn nuôi giảm khiến người nông dân chưa an tâm sản xuất.

Ông Hoàng Công Phước- đại diện HTX Suối Mơ, huyện Thống Nhất cho biết,: "HTX của ông đang có hướng phát triển du lịch sinh thái và làm sản phẩm OCOP. Do đó mong muốn ngành chức năng hỗ trợ chuyển đổi mô hình để phát triển được kinh tế theo hướng mong muốn".

Đồng Nai: Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp -0
Đại diện HTX, nông dân tỉnh Đồng Nai nêu những khó khăn, vướng mắc tại hội nghị

Ông Nguyễn Văn Nữ thì mong có phương án hỗ trợ nông dân để có đầu ra tiêu thụ sản phẩm và giá thành ổn định hơn do giá phân, xăng dầu… tăng mạnh khiến cho giá thành sản xuất đội lên nhưng giá lúa bán ra lại ở mức thấp, không tăng hoặc chỉ tăng nhẹ dẫn đến “người thua thiệt vẫn là người nông dân”.

Tương tự nông dân Nguyễn Đình Trọng chuyên trồng rau thuỷ canh cũng nêu gặp khó khăn do sản phẩm không liên kết được đầu ra nên hiện tại vẫn là sáng trồng rau, chiều tự mang hàng ra chợ bán rất bấp bênh… "Tôi chỉ muốn sản phẩm được liên kết có đầu ra ổn định để bản thân an tâm sản xuất ra sản phẩm sạch phục vụ người dân", anh Trọng nói.

Còn bà Bà Cao Thị Ten, chủ trại gà thảo mộc Cao Ten tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai chia sẻ, sản phẩm gà thảo mộc Cao Ten hiện nay đã có chỗ đứng vững trên thị trường. Hiện tại cầu đang vượt cung, hàng ra đến đâu được tiêu thụ đến đó, có những ngày không đủ hàng để đáp ứng thị trường. "Dù sản phẩm có đầu ra ổn định nhưng tôi cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, do đó nông dân nuôi gà như tôi mong có nguồn vốn hỗ trợ tốt nhất cho HTX để đủ tài chính sản xuất", bà Ten nói.

Ông Lê Văn Quyết- đại diện cho những người nuôi gà xuất khẩu kiến nghị tỉnh Đồng Nai giải quyết những dự án đang treo để nông dân lấy đất sản xuất, an tâm canh tác. Ông Quyết cũng cho hay, trang trại của ông cách khu dân cư trên 3km, là một trong những trang trại thuộc diện phải di dời theo quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai. Việc di dời này sẽ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất do việc đầu tư lại tại nơi mới sẽ mất thời gian, gặp nhiều khó khăn. “Về việc di dời chăn nuôi chúng tôi cũng khá sốc vì bất ngờ nhận được yêu cầu trên, chưa biết phải xử lý ra sao", ông Quyết phân trần.

Ngoài những ý kiến trên, nhiều nông dân cũng chia sẻ thêm các vấn đề khác như nhiều cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống vật nuôi, cây trồng không đảm bảo chất lượng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân.

Do đó nông dân kiến nghị các ngành chức năng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có biện pháp xử lý đối với các cơ sở kinh doanh phân bón, giống cây trồng kém chất lượng. Bên cạnh đó nông dân cũng mong muốn ngành chức năng triển khai tập huấn sản xuất theo hưởng hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao nhiều hơn để giúp nông dân cải tiến sản xuất. Nông dân cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở NNPTNT và các Sở, ngành liên quan sớm có chính sách đầu tư các Hồ thủy lợi chứa nước, hệ thống bơm nước lấy từ sông La Ngà về phục vụ sản xuất và sinh hoạt, hệ thống kênh mương dẫn nước đến vùng sản xuất.

Các ngành chức năng chung tay vào cuộc

Trước các ý kiến của nông dân, đại diện Sở Công thương cho biết thời gian tới sẽ tăng cường hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, đưa nông sản lên sàn thương mại. Bên cạnh đó sẽ giúp kết nối sản phẩm với các siêu thị, doanh nghiệp để có đầu ra ổn định...

Đại diện Liên minh hợp tác xã tại Đồng Nai cho rằng sẽ cố gắng tìm phương án hỗ trợ các HTX trên địa bàn tỉnh về đào tạo, bồi dưỡng nhân lực. Ngoài ra cũng cố gắng triển khai hỗ trợ tài chính cho các HTX bị thiếu vốn để có nguồn phục vụ sản xuất. Hiện có nhiều người trẻ triển khai HTX, đang có những khởi điểm rất tốt làm cho việc phát triển các HTX ngày càng mạnh.

Đồng Nai: Đối thoại với nông dân, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp -0
Quang cảnh Hội nghị 

Sở Tài nguyên và môi trường cũng cho biết sẽ hỗ trợ nông dân kinh doanh sản xuất phát triển kinh tế. Tuy nhiên sở này cũng đề nghị bà con nông dân phát triển kinh tế phải kèm theo bảo vệ môi trường. Rác thải, nước thải, chất thải trong chăn nuôi, trồng trọt phải được xử lý đúng quy định để đảm bảo môi trường xanh sạch, không ô nhiễm...

Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh sẽ có phương án phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, bền vững. Cố gắng tạo điều kiện để sản phẩm nông nghiệp có mã số vùng trồng, đảm bảo chất lượng. Phối hợp với nông dân nâng cao chất lượng nông sản, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Về việc di dời cơ sở chăn nuôi ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi để tham mưu với UBND tỉnh đưa ra phương án phù hợp.

Kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi đề nghị các sở ngành, đơn vị phối hợp để phát triển nông nghiệp địa phương và bà con nông dân. Trong đó, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chú trọng đến tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, xây dựng vùng sản xuất tập trung và phát triển chuỗi giá trị, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh thực hiện nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp thông qua Chương trình OCOP.

Yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư mời gọi, triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển các dự án sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chế biến sản phẩm nông nghiệp và xuất khẩu.

Đồng thời đại diện UBND tỉnh Đồng nai cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Đồng Nai chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ tín dụng… triển khai các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp.

Anh Việt
#