Xã Ngọc Thanh, Vĩnh Phúc

Đời sống kinh tế phát triển, văn hóa được bảo tồn

- Thứ Tư, 17/01/2024, 07:47 - Chia sẻ

Ngọc Thanh là xã miền núi phía Bắc thuộc thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Nếu như trước đây, Ngọc Thanh được biết đến là vùng khó khăn, rừng núi của Phúc Yên thì nay, kinh tế - xã hội của xã ngày một đổi thay, đời sống người dân từng bước được nâng cao và di sản hát Soọng Cô của đồng bào Sán Dìu nơi đây được bảo tồn, trao truyền cho thế hệ trẻ.

Diện mạo đô thị ở xã miền núi

Ngọc Thanh có diện tích tự nhiên rộng lớn với 7.732,28ha, dân số 14.066 nhân khẩu, được phân bổ ở 13 khu dân cư, đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu là Sán Dìu chiếm 38%. Dù là xã miền núi của tỉnh Vĩnh Phúc, nhưng Ngọc Thanh lại có vị trí địa lý rất thuận lợi: cách trung tâm Thủ đô Hà Nội khoảng 30km, liền kề sân bay quốc tế Nội Bài, kết nối giao thông thuận tiện với huyện Sóc Sơn (Hà Nội) và tỉnh Thái Nguyên. Độ che phủ rừng của xã chiếm tỷ lệ 80% và chủ yếu là rừng trồng. Những năm qua, đồng bào nơi đây chủ yếu phát triển kinh tế rừng thông qua khai thác lâm sản và nguồn lợi dưới tán rừng, đẩy mạnh trồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi, nhân rộng diện tích dược liệu, chủ yếu là cây Cát Sâm lên tới 15ha.

Bên cạnh đó, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hồ Đại Lải trong xanh và tươi đẹp là lợi thế phát triển du lịch sinh thái; thu hút hàng năm trên 20.000 lượt khách đến thăm, các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển dịch vụ du lịch, kinh doanh nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch sinh thái... Đến nay, trên địa bàn xã đã có 6 doanh nghiệp lớn đầu tư và đang kinh doanh có hiệu quả như: sân Gofl, khu nghỉ dưỡng Flamingo… Đã có 280 hộ cá thể mạnh dạn đầu tư kinh doanh du lịch với những mô hình Homestay, Farmstay hấp dẫn, góp phần tạo điều kiện và động lực phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho lao động trong và ngoài địa phương; tạo không khí năng động và nhộn nhịp.

Hát Soọng Cô được biểu diễn nhân dịp sự kiện của địa phương
Hát Soọng Cô được biểu diễn nhân dịp sự kiện của địa phương

Nhờ diện tích đất khá rộng, nhiều gia đình trên địa bàn đã đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi số lượng lớn trâu, dê, bò, gà, vịt, thuần dưỡng và nuôi dúi rừng thương phẩm...; kết hợp với trồng cây ăn quả quy mô khá lớn, đem lại thu nhập ổn định và giá trị kinh tế cao. Chúng tôi được Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngọc Thanh Lý Thị Mùi đưa đến thăm mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình chị Lý Thị Loan, xã viên thôn Đại Quang, là một điển hình vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Vài năm trước, chị Loan được Hội Phụ nữ xét duyệt cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư vườn cây, ao cá; nhờ sử dụng nguồn vốn hiệu quả, nông sản cho năng suất cao, đến nay chị Loan đã có khuôn viên vườn ao chuồng liên hoàn, các con được học hành, nhà ở được xây dựng khang trang; ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư mua 2 xe ô tô 29 chỗ ngồi chạy dịch vụ.

Theo báo cáo của UBND xã Ngọc Thanh, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 46 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới chỉ còn 0,7%; tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2023 đạt 665.38 tỷ đồng. Xã đã về đích xây dựng nông thôn mới đạt 19/19 tiêu chí từ năm 2016 và nay tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã thông minh giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 36/2022 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND xã không giấu được sự tự hào: tiềm thức Ngọc Thanh ngày xưa xa xôi, núi rừng hoang vắng nay gần như không còn; nhiều nhà cao tầng liên tục mọc lên san sát, diện mạo khang trang, có trang thiết bị hiện đại, đời sống vật chất và tinh thần của người dân đổi thay từng ngày. Đi trên những con đường mang tên các bậc tiền bối như: Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Văn Cừ... trải nhựa rộng rãi, sạch đẹp, 2 bên có những cột đèn cao vút thắp sáng về đêm; lần lượt đến chứng kiến 8 ngôi trường kiên cố phục vụ nhu cầu học tập của con em, các nhà văn hóa được đầu tư vẫn còn mùi sơn tươi mới để đồng bào sinh hoạt cộng đồng, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia luôn có cán bộ túc trực…, chúng tôi tin tưởng rằng, Ngọc Thanh sẽ trở thành đô thị du lịch trong tương lai không xa.

Bảo tồn truyền thống văn hóa

Trong quá trình phát triển, người Sán Dìu trên địa bàn xã Ngọc Thanh luôn có ý thức bảo tồn điệu hát Soọng Cô, kỹ thuật làm bánh Chưng gù, bánh Ghé truyền thống để gìn giữ bản sắc của dân tộc mình. Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Soọng Cô xã Ngọc Thanh - nghệ nhân Lục Thị Nhật chia sẻ: hát Soọng Cô là điệu hát rất khó, đầu tiên phải nói được tiếng dân tộc Sán Dìu, cần có giọng tốt, hơi dài và khỏe, kỹ năng hát liên tục…, người Sán Dìu thường hát Soọng Cô để mời trầu trong các dịp có khách quý, hát đối đáp nam nữ giao duyên; ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng và biết ơn Bác Hồ; trước đây, đồng bào vẫn hát tự phát, nhưng đến năm 2012 được UBND xã quan tâm ra quyết định thành lập Câu lạc bộ, thu hút hội viên, mở lớp truyền dạy cho các thế hệ trẻ. Đến nay, câu lạc bộ hiện có 60 hội viên các lứa tuổi, nghệ nhân cao tuổi nhất đã 85 tuổi; ngoài tập luyện tại nhà hoặc định kỳ tại nhà văn hóa các thôn, Câu lạc bộ còn đi tham gia các sự kiện trên xã, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và đã vinh dự đoạt giải Ba trong Liên hoan văn nghệ các dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc.

Là người tâm đắc với điệu hát Soọng Cô truyền thống của dân tộc Sán Dìu, nghệ nhân Phạm Thị Lan, 67 tuổi bày tỏ mong muốn Nhà nước cần có những chính sách quan tâm để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống; cụ thể, công nhận thêm danh hiệu nghệ nhân, bởi Câu lạc bộ sau hơn 10 năm hoạt động mới có 2 người được công nhận là vẫn còn khiêm tốn, mặc dù nhiều người đã đủ điều kiện. Bên cạnh đó, tỉnh Vĩnh Phúc và thành phố Phúc Yên, xã Ngọc Thanh nghiên cứu cơ chế hỗ trợ các câu lạc bộ dân ca truyền thống, để có nguồn kinh phí chính thức duy trì và phát triển các di sản này. Bởi lẽ, từ khi thành lập đến nay, các nghệ nhân và nam ca, nữ ca phải tự túc đóng góp tiền để luyện tập, mua trang phục biểu diễn, thuê xe đi biểu diễn tại các sự kiện trong tỉnh…, để thành lập thêm các nhóm hát mới hay thêm câu lạc bộ mới tại các thôn, tiếp tục bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Tự hào về quê hương Ngọc Thanh đang phát triển mạnh về du lịch dịch vụ, tâm đắc và gắn bó di sản hát Soọng Cô, nghệ nhân Trịnh Thị Thiện bày tỏ: việc bảo tồn, giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống, nhất là của các dân tộc thiểu số nói chung và điệu hát Soọng Cô của người Sán Dìu cần được các cấp quan tâm, hỗ trợ; hy vọng một ngày không xa hát Soọng Cô, bánh Chưng gù, bánh Ghé sẽ là đặc sản khi du khách đến với Ngọc Thanh. Từ đó, góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, tạo việc làm và tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương; hơn thế nữa, điều này giúp truyền lại và bảo tồn di sản cho thế hệ trẻ thêm yêu và tự hào về dân tộc mình, quê hương đất nước mình.

Bài và ảnh: Từ Thức
#