Dấu ấn đặc biệt của người "vác tù và hàng tổng"

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 17:35 - Chia sẻ

Bằng sự tâm huyết, trách nhiệm, hàng chục năm qua, ông Lê Xuân Kế (69 tuổi), Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn làm tốt công tác đoàn kết tập hợp Nhân dân, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước ở địa phương.

Xác định là người "đứng mũi, chịu sào"

Sinh ra và lớn lên tại làng Phú Mỹ (huyện Từ Liêm, Hà Nội), sau khi học xong phổ thông, từ năm 1976, ông Lê Xuân Kế đã tham gia công tác, hoạt động tại địa phương. Đến năm 2013, sau một quá trình dài hàng chục năm công tác, ông được bầu làm Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích làng Phú Mỹ. Năm 2014, huyện Từ Liêm tách thành quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm, với sự tín nhiệm của Nhân dân và đảng viên, ông Kế được tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7. Với trọng trách được giao, ông luôn nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; chọn nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để triển khai thực hiện; gương mẫu, nói đi đôi với làm, không nề hà trong các hoạt động của thôn.

Dấu ấn đặc biệt của người
Ông Lê Xuân Kế, Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7, Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích Phú Mỹ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội)

Theo ông Kế, để được Nhân dân, đảng viên tin yêu và ủng hộ, người cán bộ mặt trận phải tiên phong, đi đầu trong mọi hoạt động, biết nghe dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Từ đó, tập hợp được quần chúng, xây dựng sự đoàn kết vững chắc từ mỗi khu dân cư. Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để gửi đến cấp ủy, chính quyền, MTTQ cấp trên có các giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ người dân kịp thời. Vì vậy, trong triển khai vận động các phong trào, ông đều nhận được sự hưởng ứng, đoàn kết, thống nhất cao từ người dân.

“Nhân dân và đảng viên tin tưởng bầu mình lên làm người "đứng mũi, chịu sào", thì điều đầu tiên là mình phải gương mẫu, chấp nhận thiệt thòi, chấp nhận hy sinh lợi ích riêng của bản thân vì việc chung. Muốn người khác hiểu chủ trương, thì trước hết người cán bộ phải thấm nhuần chủ trương, hiểu sâu bản chất vấn đề, có như vậy nói dân mới tin, mới nghe. Trong mọi việc, phải đưa ra trước dân để bàn bạc, xin ý kiến. Tất cả mọi việc trước hết phải luôn vì dân, đưa lại cái lợi cho Nhân dân”, ông Lê Xuân Kế chia sẻ.

Dấu ấn đặc biệt của người
Một trong 3 cổng làng được ông Lê Xuân Kế vận động quần chúng Nhân dân đóng góp xây dựng.

Bằng sự tâm huyết và tận tụy của mình, ông Kế đã cùng Chi bộ Tổ dân phố số 7 được Đảng uỷ phường Mỹ Đình 2 công nhận là chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 9 năm liền. Đồng thời, Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7 cũng được Uỷ ban MTTQ phường Mỹ Đình 2 khen thưởng và hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 10 năm. Đặc biệt, năm 2019, Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7 được Uỷ ban MTTQ thành phố Hà Nội tặng bằng khen về thành tích xuất sắc.

Bên cạnh đó, trong giai đoạn phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỷ 2021 - 2026, ông Lê Xuân Kế được phân công làm Tổ trưởng Tổ bầu cử số 3, phường Mỹ Đình 2. Với quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở mức độ cao nhất, ông Lê Xuân Kế đã được Chủ tịch UBND thành phố tặng thưởng bằng khen.

Làm việc làng, việc phố bằng cái tâm

Đặc biệt, với vai trò là Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích các tổ dân phố Phú Mỹ, 10 năm qua (từ năm 2014 đến nay), ông Lê Xuân Kế và các thành viên trong Tiểu ban đã vận động Nhân dân ủng hộ công đức vào Đình, Miếu, đúc tượng đồng Thánh Bà... với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Từ sự vận động của ông, phường Mỹ Đình 2 là phường duy nhất xây dựng được 3 cổng làng với quy mô, thiết kế to đẹp. Toàn bộ số tiền xây 3 cổng làng gần 1,3 tỷ đồng hoàn toàn bằng tiền do ông Kế vận động Nhân dân trên địa bàn phường đóng góp.

Đáng chú ý, sau hơn 3 năm đi khắp các sở, ngành của Hà Nội, ông Lê Xuân Kế đã thành công trong việc thiết lập đặt tên đường làng Phú Mỹ trở thành phố Phú Mỹ với chiều dài gần 900m. Theo ông Kế, làng Phú Mỹ là làng cổ được hình thành từ hàng trăm năm, việc được đặt tên đường Phú Mỹ được Nhân dân rất vui mừng và hân hoan bởi địa phương đã giữ được tên gọi kéo dài qua hàng trăm năm, nếu như xoá sổ tên gọi Phú Mỹ là điều vô cùng đáng tiếc.

Ngoài ra, ông Lê Xuân Kế cũng là người có công lớn trong việc làm hồ sơ lên Cục Di sản và nhiều cơ quan hữu quan trong việc công nhận Lễ hội Kết Trạng (Lễ hội rước kiệu từ Phú Mỹ sang Kiều Mai) là Lễ hội văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.

Dấu ấn đặc biệt của người
Ông Lê Xuân Kế bên cổng làng Phú Mỹ do chính ông vận động và kêu gọi Nhân dân đóng góp.

Ghi nhận những đóng góp của ông Lê Xuân Kế, Bí thư Đảng uỷ phường Mỹ Đình 2 Lê Minh Dưỡng cho biết: những năm gần đây, đời sống của người dân trên địa bàn phường không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần, diện mạo phường từng bước được cải thiện theo hướng văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp. "Để có được thành tích đó là nhờ sự nỗ lực của cán bộ và Nhân dân trên địa bàn phường, trong đó có dấu ấn không nhỏ của Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Công tác mặt trận Tổ dân phố số 7 Lê Xuân Kế", ông Lê Minh Dưỡng đánh giá.

Nguyên Khôi
#