Đà Nẵng cần thêm nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù để phát triển mạnh mẽ

- Thứ Tư, 13/03/2024, 17:12 - Chia sẻ

Các chuyên gia cho rằng, Đà Nẵng muốn phát triển mạnh mẽ phải có thêm nhiều cơ chế, chính sách mới, đặc thù, khác biệt với nhiều dự án lớn mang tính đột phá.

Ngày 13.3, Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cho biết, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 là văn kiện chính trị có tính định hướng quan trọng, lâu dài, mở ra nhiều cơ hội, tiềm năng lớn để thành phố phát triển trong giai đoạn mới.

Đà Nẵng sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43: Cần phát triển dựa trên sự khác biệt -0
Toàn cảnh hội nghị

Nhận thức được ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương tập trung quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện Nghị quyết; kịp thời ban hành 12 Chương trình, Kế hoạch chuyên đề cụ thể hóa Nghị quyết với 525 nhiệm vụ. Đến nay, đã hoàn thành 113 nhiệm vụ (tỷ lệ 21,5%), đang triển khai 390 nhiệm vụ (tỷ lệ 74,3%)… Bước đầu đã thu được một số kết quả quan trọng, nhất là phối hợp với các cơ quan Trung ương trình cấp có thẩm quyền xem xét ban hành các chủ trương, cơ chế, chính sách, quy hoạch.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá, thành phố đã thực hiện thành công mô hình chính quyền đô thị. Kinh tế thành phố tiếp tục có bước phát triển, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm hơn 70% trong tỷ trọng GRDP; thành phố liên tục đạt được nhiều kết quả quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh; quốc phòng, an ninh được giữ vững.

Bên cạnh một số kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng thẳng thắn nhìn nhận quá trình thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đạt được các mục tiêu như kỳ vọng. Tăng trưởng kinh tế chưa cao, thiếu ổn định, quy mô kinh tế chưa có sự bứt phá; trong cùng một thời điểm, thành phố phải giải quyết, khắc phục nhiều kết luận thanh tra, bản án gây lãng phí các nguồn lực, ảnh hưởng môi trường đầu tư. Chưa có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, phù hợp và chưa tạo ra nguồn lực lớn để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra…

Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cho biết, việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố phát huy tính ưu việt của mô hình. Qua đó, thành phố mạnh dạn đề xuất với Trung ương xem xét cho thành phố áp dụng chính thức mô hình chính quyền đô thị trong thời gian tới.

Đà Nẵng sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43: Cần phát triển dựa trên sự khác biệt -0
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung hiến kế cho Đà Nẵng phát triển thời gian tới

Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý đã có những chia sẻ, góp ý cởi mở, thẳng thắn về những định hướng mới, cơ chế, chính sách, giải pháp mang tính đột phá nhằm từng bước khẳng định vai trò, vị trí của thành phố Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ. Trong đó, để phát triển trong giai đoạn tiếp theo thì Đà Nẵng cần tập trung vào những điểm mới, mang tính đột phá. Muốn như vậy thì cần phải có các cơ chế, chính sách đặc thù, khác biệt.

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW Nguyễn Hồng Sơn đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được đáng ghi nhận thì thành phố còn đối mặt với nhiều nguy cơ, thách thức. Điển hình như: có 8/16 chỉ tiêu có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và nỗ lực lớn, các chỉ tiêu về phát triển kinh tế đạt khá thấp so với Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra.

Đà Nẵng sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43: Cần phát triển dựa trên sự khác biệt -0
Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị

Một số điểm nghẽn trong phát triển đô thị chưa được giải quyết dứt điểm; một số công trình, dự án trọng điểm chưa đảm bảo tiến độ hoặc chưa được triển khai; thị trường bất động sản tăng trưởng nóng, thiếu bền vững; công tác quản lý tài nguyên, nhất là đất đai còn một số bất cập.

Chỉ rõ những nguyên nhân của yếu kém, hạn chế, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn cũng nêu lên các giải pháp. Trong đó, cần rà soát, đánh giá các cơ chế, chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành để hoàn thiện, bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp, nhất là việc thí điểm chính quyền đô thị. Tiếp tục nghiên cứu, ban hành các các cơ chế, chính sách đặc thù mới phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư, về tài chính, ngân sách, thuế, hải quan, quy hoạch, đô thị, tài nguyên, môi trưởng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược. Nghiên cứu, triển khai thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù mới. Triển khai Đề án phát triển Đà Nẵng thành Trung tâm tài chính quốc tế quy mô khu vực. Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra…

Theo Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn, Ban Chỉ đạo sơ kết Nghị quyết số 43-NQ/TW sẽ đề xuất kiến nghị Bộ Chính trị thông qua Báo cáo Đề án sơ kết và ban hành Kết luận về “Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp với bối cảnh mới để xây dựng và phát triển thành phố…

Tấn Tài
#