70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc (1954 - 2024)

Cho Bắc - Nam sum họp một nhà

- Thứ Hai, 29/04/2024, 09:04 - Chia sẻ

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, Hiệp định Genève được ký kết (ngày 21.7.1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương. Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã có quyết định đưa lực lượng cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc để tiếp tục học tập, nhằm đào tạo lực lượng cán bộ cho sự nghiệp cách mạng lâu dài.

“Đi cũng vinh, ở cũng vinh”

Ngày 21.9.1954, Bác Hồ viết thư (đăng trên Báo Nhân Dân số 229, ngày 22.9.1954) thăm hỏi, động viên và căn dặn bộ đội, cán bộ và các gia đình từ miền Nam ruột thịt tập kết ra Bắc: “đồng bào đã phải tạm xa quê hương, nhưng lại được gần Trung ương Đảng, Chính phủ, gần quân đội và đồng bào miền Bắc. Nam Bắc vẫn là một nhà”. Sự động viên kịp thời của Bác Hồ đã cổ vũ mạnh mẽ tinh thần cho đồng bào miền Nam và thổi bùng ngọn lửa đoàn kết dân tộc, để rồi những con tàu xuất phát từ miền Nam chở hơn hàng trăm nghìn đồng bào, chiến sĩ, học sinh ra miền Bắc với mong muốn: “mỗi người sẽ tùy theo sức mình tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà”.

Đợt chuyển quân tập kết ra Bắc này bắt đầu từ ngày 6.10.1954 và kết thúc 29.10.1954. Theo Hiệp định Genève, Cà Mau là một trong 3 điểm tập kết của lực lượng kháng chiến ở Nam Bộ trong 200 ngày để đưa bộ đội và đồng bào miền Nam ra Bắc.

Ông Nguyễn Thanh Bảy là một trong những người hăng hái lên tàu tập kết ra Bắc năm 1954
Ông Nguyễn Thanh Bảy là một trong những người hăng hái lên tàu tập kết ra Bắc năm 1954

Nhớ lại năm tháng sôi nổi ấy, ông Nguyễn Thanh Bảy, ngụ quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ kể, ba má ông sinh được 6 người con thì đợt này có đến 5 người đi tập kết. Giác ngộ cách mạng, chị cả Nguyễn Thị Thanh Xuân tham gia kháng chiến rồi kết hôn với tướng Phan Trọng Tuệ (nguyên Phó Thủ tướng). Các em noi gương chị đều theo Việt Minh. Là con út của gia đình, 4 anh chị đã đi tập kết, lẽ ra ông Bảy ở lại quê nhà để chiến đấu và được gần ba má, nhưng được sự phân công của tổ chức, ông tạm gác chuyện gia đình với suy nghĩ đi để học tập nhiều hơn, làm được nhiều hơn cho quê hương. 15 tuổi ông Bảy thấm nhuần lời huấn thị của tổ chức: “đi cũng vinh, ở cũng vinh”, nên hăng hái lên tàu.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường, chị của ông Bảy nhớ như in, năm đó bà vừa sinh bé thứ 2. Lúc nghe tiếng máy rì rầm từ xa vọng đến, loa phóng thanh trên bãi báo tin đoàn tàu phía Pháp sắp đến, Ban phụ trách nhắc tập thể lần cuối nội quy và tác phong đi đường. Trong tiếng hô vang và biểu ngữ giơ cao của đồng bào đứng dọc hai bên bờ kinh đưa tiễn, tiếng nhạc quân hành rộn rã, bà Hường ôm hai con nhỏ một bé 4 tuổi, một trẻ sơ sinh lên tàu Hòa Bình ra miền Bắc.

Bà Nguyễn Thị Thu Hường
Bà Nguyễn Thị Thu Hường "gặp lại" người thân trong bức ảnh trưng bày tại Di tích Ban liên lạc đình chiến Nam Bộ (cũ)

Cũng trong buổi tiễn đưa này, mẹ liệt sĩ Lê Thị Sảnh đã trao cây vú sữa cho Đại đội trưởng Đại đội pháo binh 370, Tiểu đoàn 307 Nguyễn Trung Kiên, nhờ chuyển đến Bác Hồ với lời nhắn gửi, mong khi Bác thấy cây vú sữa là thấy đồng bào miền Nam, mẹ hứa sẽ cùng đồng bào tiếp tục đấu tranh đến ngày thống nhất đất nước.

Tại Chắc Băng - sông Đốc, từ ngày 22.1 - 8.2.1955, các tàu viễn dương Kilinki của Ba Lan, Stavropol, Arkhangles của Liên Xô đã đưa 53.253 cán bộ, chiến sĩ, công nhân, học sinh... được lựa chọn tập kết ra miền Bắc. Người trên tàu, người đứng hai bên đường lưu luyến giơ hai ngón tay chào nhau, hàm ý sẽ gặp lại sau hai năm xa cách. Nào ngờ cuộc chia ly kéo dài tận 21 năm, mãi cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Tôn vinh truyền thống cách mạng kiên cường của quân dân Cà Mau

Chuyến tàu cuối cùng rời bến vàm sông Đốc, hàng nghìn cánh tay vẫy chào tạm biệt đầy lưu luyến, kẻ ở người đi đều mang trong lòng ý chí quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và niềm tin sắt đá: ngày mai Nam - Bắc sum họp! 

Sau này, nhà văn Thép Mới đã ghi trong hồi ký về Tổng Bí thư Lê Duẩn: trước khi chia tay, anh Ba (Lê Duẩn) nắm tay đồng chí Lê Đức Thọ nhắn gửi: “Anh ra thưa với Bác, tất cả đồng bào, đồng chí trong này đều ngày đêm mong Bác sống lâu, khỏe mạnh. Anh cho tôi gửi lời chào Bác, anh Trường Chinh và tất cả các anh ngoài đó”.

Sau khi đã bố trí xong lực lượng tập kết, số đảng viên còn lại tại miền Nam là trên 10.000 người, được tổ chức sắp xếp theo nguyên tắc hoạt động bí mật, được giáo dục về nhân sinh quan cách mạng, về khí tiết của người đảng viên trước kẻ thù, bồi dưỡng 5 bước công tác cách mạng để sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Mô hình Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954
Mô hình Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954

Ngay sau đó quân dân Cà Mau lại bước vào cuộc chiến đấu mới dưới sự chỉ đạo của Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn và Ủy viên Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang Võ Văn Kiệt; Nhân dân Cà Mau một lần nữa trở thành chỗ dựa vững chắc, nuôi dưỡng và bảo vệ an toàn cho lực lượng cách mạng trong suốt chặng đường chống Mỹ gian khó và hào hùng...

Sự kiện tập kết năm 1954 được xem là cuộc chuyển dịch lực lượng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhằm đào tạo cán bộ cho cách mạng miền Nam, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Để ghi nhớ sự kiện lịch sử quan trọng của dân tộc, tỉnh Cà Mau sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954 vào tháng 11.2024. Trong đó, có hoạt động trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử nói trên nhằm tôn vinh truyền thống cách mạng kiên cường của quân và dân Cà Mau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Tỉnh đã có thư ngỏ kêu gọi các đơn vị, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh hiến tặng hình ảnh, tài liệu, hiện vật liên quan đến sự kiện lịch sử này để trưng bày, bổ sung vào nguồn tài liệu quý phục vụ cho địa phương trong công tác giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.

Tháng 1.2024, tỉnh Cà Mau cũng đã tổ chức Lễ khởi công xây dựng Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954. Cụm công trình được xây dựng trên diện tích hơn 10ha tại thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) bao gồm các hạng mục như: tượng đài, sàn khu vực tượng đài và tổ chức sự kiện, cầu cạn, đường giao thông đấu nối vào tượng đài, bãi đậu xe, hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Tượng đài được làm bằng đá granite, cách điệu chiếc tàu dài 25m, cao 10,5m, rộng 8,5m; 2 bên thân tàu có các bức phù điêu tái hiện hình ảnh cán bộ tập kết… Tổng kinh phí thực hiện cụm công trình này khoảng hơn 176 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách và vốn hợp pháp khác. Theo kế hoạch, cụm công trình xây dựng tượng đài kỷ niệm chuyến tàu tập kết ra Bắc, sẽ hoàn thành trong tháng 11.2024, đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954.

70 năm trôi qua, sự kiện tập kết ra Bắc năm 1954 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử về tinh thần đoàn kết dân tộc, về ý chí quyết tâm, thống nhất của quân dân ta với chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Việc xây dựng Cụm công trình tượng đài kỷ niệm Chuyến tàu tập kết ra Bắc năm 1954, cũng như sưu tầm hình ảnh, tư liệu, hiện vật gắn với sự kiện lịch sử này, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, nhằm phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng hào hùng của Nhân dân Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng.

Bài và ảnh: Hiền Dung
#