Gia Lai quyết tâm giảm nghèo bền vững

Bài 1: Triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp

- Thứ Tư, 24/05/2023, 06:56 - Chia sẻ

Xác định giảm nghèo là một trong những chiến lược quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tỉnh Gia Lai đã nỗ lực và tập trung mọi nguồn lực để kéo giảm số lượng hộ nghèo… Tuy nhiên, để giảm nghèo bền vững vẫn còn không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm của chính quyền và người dân.

Mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều hộ gia đình tỉnh Gia Lai thoát nghèo. ảnh H. Chi
Mô hình chăn nuôi đã giúp nhiều hộ gia đình tỉnh Gia Lai thoát nghèo. Ảnh: H. Chi

Những năm qua, tỉnh Gia Lai đã tập trung nhiều nguồn lực, triển khai đồng bộ và hiệu quả các chính sách, giải pháp giảm nghèo bền vững; nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Nhiều mô hình phát triển hiệu quả

Là người có uy tín ở làng Pong (xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ), ông Rơ Mah M'Rao luôn gương mẫu trong phát triển kinh tế; từ chỗ nghèo khó, cơm không đủ ăn, ông đã khai hoang đất trồng điều, cà phê, cao su; đến nay, gia đình ông có 10ha cao su, 6ha điều, 2ha cà phê và 400 trụ hồ tiêu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Không chỉ là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, ông M'Rao còn luôn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với bà con trong vùng… Ông Rơ Mah Aroi (người dân làng Pong) chia sẻ, trước đây, cuộc sống gia đình rất khó khăn, nhờ sự hướng dẫn nhiệt tình của ông M'Rao, giờ đây gia đình không còn thiếu ăn như trước nữa. “Hiện, gia đình tôi có hơn 3 sào lúa, 1ha cà phê. Trong làng, bà con ai cũng quý mến, nghe và làm theo ông Rơ Mah M'Rao”, ông Aroi tâm sự.

Hay như với gia đình anh Ksor Sương ở xã Ia Le (huyện Chư Pưh), nay cũng đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định, khấm khá. Theo lời kể của anh Ksor Sương, sau khi được tạo điều kiện cho vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh đã đầu tư mua dê, bò sinh sản để phát triển chăn nuôi… “Thu nhập từ đàn dê đã giúp gia đình trả hết số vốn vay và mua thêm đất trồng mì, bắp và chăn nuôi thêm bò. Sau khi trừ chi phí, bình quân gia đình thu về hơn 100 triệu đồng/năm”, anh Ksor Sương chia sẻ.

Tương tự, gia đình bà Ksor H’Lý ở xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa) những năm trước cũng thuộc diện hộ nghèo. Nhờ mạnh dạn vay 40 triệu đồng từ nguồn vốn giảm nghèo để đầu tư mua bò sinh sản, trồng mì, lúa nước… nên đến cuối năm 2020, gia đình bà đã thoát nghèo. “Nhờ được cán bộ xã và buôn tuyên truyền, vận động nên tôi đã vay vốn đầu tư phát triển kinh tế. Hiện, tôi thường xem ti vi, nghe đài truyền thanh xã cũng như tham gia các cuộc họp để tìm hiểu, học tập những mô hình phát triển hiệu quả”, bà H’Lý cho hay.

Trò chuyện với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Sao Nguyễn Thị Tánh cho biết: thời gian qua, UBND xã đã phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể thường xuyên tuyên truyền các chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo cho người dân. Từ đó, bà con nâng cao nhận thức, tiếp cận nhiều thông tin về các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gương điển hình trong làm giàu… “Nhờ đẩy mạnh các hoạt động thông tin, tuyên truyền giảm nghèo bền vững, năm 2022, toàn xã có 21 hộ thoát nghèo. Hiện, xã còn 56 hộ nghèo (chiếm 5,74%) và 49 hộ cận nghèo (chiếm 5,2%)”, bà Tánh chia sẻ.

Kết quả của sự thống nhất từ ý chí đến hành động

Cùng với các chính sách, chương trình giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh Gia Lai đã ban hành các nghị quyết chuyên đề triển khai công tác giảm nghèo. Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành các quyết định, kế hoạch, chỉ thị triển khai các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các ngành, địa phương tập trung rà soát, nghiên cứu, triển khai nhiều giải pháp cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

Giai đoạn 2016 - 2021, tỉnh đã đầu tư hơn 1.271 tỷ đồng cho công tác giảm nghèo. Từ nguồn kinh phí này, nhiều chương trình, dự án hỗ trợ người nghèo, cận nghèo được triển khai, như: đào tạo nghề cho 48.937 lao động; hỗ trợ chuyển đổi các mô hình phát triển sản xuất cho hơn 2.300 hộ nghèo; huy động hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở cho 682 hộ nghèo, cận nghèo… Riêng trong năm 2022, kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh hơn 164 tỷ đồng. Hầu hết số hộ vay vốn ưu đãi đã có chuyển biến tích cực về nhận thức, cách làm ăn; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, vươn lên làm giàu.

Các chương trình, dự án đã tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng các huyện nghèo, các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ khám, chữa bệnh, xây nhà, trợ giúp pháp lý cho người nghèo; hỗ trợ hộ nghèo theo mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản... Tất cả đã góp phần giúp hộ nghèo có thêm điều kiện vươn lên trong cuộc sống, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, như: vay vốn tín dụng, chăm sóc sức khỏe, học hành, nhà ở, nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh, đào tạo nghề, khuyến nông, khuyến lâm, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Theo Giám đốc Sở LĐ, TB và XH tỉnh Rcom Sa Duyên, một trong những yếu tố tạo nên kết quả ấn tượng trong công tác giảm nghèo là hoạt động tuyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của người dân. “Việc một số hộ ở các địa phương tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo thời gian qua đã cho thấy thành công của chương trình giảm nghèo bền vững. Trước đây, nhiều gia đình mang tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Giờ đây, khi nhận thức chuyển biến, những người thấy mình đủ điều kiện đã sẵn sàng xin ra khỏi danh sách và dành sự chia sẻ, hỗ trợ cho những gia đình khó khăn hơn để không ai bị bỏ lại phía sau”, Rcom Sa Duyên chia sẻ.

Theo Sở LĐ, TB và XH tỉnh, giai đoạn 2016 - 2021, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 15,75%, bình quân giảm hơn 3,15%/năm (vượt chỉ tiêu do Chính phủ giao và chỉ tiêu Tỉnh ủy đề ra). Cuối năm 2021, toàn tỉnh còn 14.943 hộ nghèo (chiếm 3,96%); đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 40,18% (năm 2015) xuống còn 8,18% (năm 2021); đến năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,03%, trong đó, hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4,32%... Đáng ghi nhận là từ cuối năm 2018 đến nay, Gia Lai không còn hộ nghèo là người có công với cách mạng, tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn cũng giảm theo từng năm… Đó là kết quả của sự thống nhất từ ý chí đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp và nỗ lực vươn lên của từng cá nhân, hộ gia đình.

Diệp Anh