Bắc Giang: Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể

- Thứ Tư, 06/12/2023, 16:16 - Chia sẻ

Với nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao.

Hơn 100 lượt HTX được nhận hỗ trợ với kinh phí hơn 8 tỷ đồng

Hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có 1.016 HTX, trong đó 857 HTX đang hoạt động, 16 HTX tạm ngừng hoạt động và 143 HTX ngừng hoạt động chờ giải thể. Tổng vốn điều lệ của các HTX hơn 2,4 nghìn tỷ đồng và số thành viên tham gia gần 41,5 nghìn người.

Trong hơn 1.016 HTX, toàn tỉnh có 340 HTX nông nghiệp xếp loại khá trở lên, chiếm 66,7%, tăng 3,5% so với năm 2022. Nhiều HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả như: HTX Rau sạch Yên Dũng, HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ Tổng hợp Hồng Xuân, HTX nông nghiệp “Xanh” Yên Thế, HTX nông nghiệp hữu cơ Bình Minh, HTX Thân Trường, HTX nông nghiệp Quyên Phong...

Để khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, năm 2018, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 24/2018/NQ-HĐND Quy định một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Nội dung hỗ trợ gồm: tập trung đất đai; xây dựng nhãn hiệu, bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước; đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ thuế thu nhập doanh nghiệp, lãi suất.

Sau gần 5 năm triển khai, cả tỉnh đã có hơn 100 lượt HTX được nhận hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Chưa kể, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX do Liên minh HTX tỉnh quản lý đến nay đạt hơn 21 tỷ đồng, đang cho vay thực hiện 27 dự án với số tiền gần 10 tỷ đồng…

Bên cạnh đó, một số chính sách khác có thể kể đến như Nghị quyết số 21/2021/NQHĐND ngày 10.8.2021 của HĐND tỉnh, Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 1802/QĐ-UBND ngày 25.8.2021 của UBND tỉnh, Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh và mô hình HTX nông nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2021-2025” theo Quyết định số 2024/QĐ-UBND ngày 5.10.2021 của UBND tỉnh...

Những chính sách hỗ trợ đã góp phần tạo động lực cho HTX nông nghiệp chú trọng hơn đến khâu thiết kế, in ấn, cải tiến nhãn mác, mẫu mã bao bì, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Bắc Giang: Hiệu quả từ những chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể -0
Thu hoạch dứa tại HTX Dứa sạch Hương Sơn (huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang). Ảnh: ITN

Chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hàng hoá tập trung quy mô lớn

Theo Liên minh HTX tỉnh, Bắc Giang hiện có khoảng 120 HTX nông nghiệp tham gia hoạt động liên kết bằng hợp đồng ổn định. Đồng thời là đầu mối thu mua, đưa sản phẩm ra thị trường, giúp tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận. 

HTX Nông nghiệp Quang Duy (xã Đồng Lạc, huyện Yên Thế) được thành lập từ năm 2019 với 7 thành viên, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến nông sản với thương hiệu dầu lạc, dầu gấc, dầu mè Đại An và các sản phẩm lạc rang nguyên củ, lạc hạt thành phẩm. Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc HTX cho biết, nguồn lực của phần lớn các HTX nông nghiệp đều rất hạn hẹp, cộng thêm phải cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường, vì vậy nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước sẽ rất khó đi lên. Nhờ được hỗ trợ mua máy móc, HTX đã nâng công suất ép dầu từ 80 lít trước đây lên 600 lít/ngày, chất lượng sản phẩm nâng cao rõ rệt.

Để có bước phát triển như hôm nay, năm 2020, HTX Nông nghiệp Quang Duy được Sở Công Thương hỗ trợ 50% kinh phí mua dây chuyền ép dầu. Từ năm 2021 đến nay, HTX được Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tem, bao bì, nhãn mác, tổ chức nhiều đợt trưng bày, quảng bá sản phẩm tại các hội chợ thương mại… Nhờ đó, thương hiệu dầu ăn Đại An ngày càng được nhiều khách hàng biết đến, trong đó một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, doanh thu của HTX năm 2023 đạt hơn 3 tỷ đồng.

Từ sự hỗ trợ của Nhà nước, các HTX nông nghiệp đã làm tốt vai trò liên kết nông dân với nhau để chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn phục vụ chế biến, xuất khẩu, tạo ra sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đơn cử như HTX Dứa sạch Hương Sơn (huyện Lạng Giang) duy trì trồng hơn 80ha dứa. Trước đây, đường vào HTX nhỏ hẹp, việc đi lại, tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Năm 2023, với nguồn hỗ trợ gần 1 tỷ đồng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, HTX đã được đầu tư xây dựng gần 1km đường bê tông vào khu vực sản xuất.

Nhờ đường đi thuận lợi nên việc tiêu thụ dứa và một số nông sản khác cùng vận chuyển phân bón của các thành viên HTX Dứa sạch Hương Sơn thuận lợi hơn. Sản phẩm được công nhận OCOP và tiêu thụ tại nhiều thị trường trong nước. Ngoài hỗ trợ làm đường, HTX còn được hưởng một số chính sách ưu đãi về phân bón, tập huấn kiến thức canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP…, ông Hoàng Văn Tiến, Giám đốc HTX cho biết.

Thảo Anh
#