Sức sống mới trên đại ngàn Mường Nhé

- Thứ Tư, 02/09/2020, 07:15 - Chia sẻ
Mường Nhé là một trong 62 huyện đặc biệt khó khăn của cả nước, nơi có ngã ba biên giới A Pa Chải được ví như “tiếng gà gáy ba nước cùng nghe”. Những năm qua, nhờ sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đồng lòng đoàn kết của đồng bào các dân tộc, Mường Nhé giờ đây đã thay áo mới…

Diện mạo mới

Trở lại Mường Nhé những ngày cuối tháng 8 lịch sử, chúng tôi cảm nhận rõ rệt sự thay da đổi thịt nơi đây. Nhớ lại hơn 10 năm về trước, từ trung tâm thành phố Điện Biên Phủ tới Mường Nhé, chúng tôi phải mất gần một ngày băng qua những con dốc Tà Tổng, Ông Ma, những cua đường gấp khúc, uốn lượn bên vực thẳm và cả những vũng lầy ngập nửa bánh xe khi mưa xuống. Thế nhưng giờ đây, chỉ chưa đầy 4 giờ đồng hồ là đã đến trung tâm huyện.

Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Mùa A Sơn (thứ 2 từ trái sang) tham quan mô hình trồng mắc ca tại Mường Nhé.
Ảnh: T. Hiếu

Đón chúng tôi với nụ cười thân thiện, giọng nói ấm áp, Bí thư Huyện ủy Mường Nhé Nguyễn Quang Hưng tâm sự: Nhiều năm về trước, hầu hết các thôn, bản ở Mường Nhé đều chưa có đường ô tô, việc đi lại, giao lưu của đồng bào chủ yếu bằng những bàn chân không mỏi. Muốn đến các xã: Nà Bủng, Nà Hỳ, Na Cô Sa, Chung Chải, Sín Thầu... phải trèo đèo, lội suối. Con người nơi đây thường phải đối diện với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng nóng, lũ quét bất ngờ. Vậy mà giờ đây, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Mường Nhé đã đổi mới rất nhiều, nhất hạ tầng giao thông đã được đồng bộ. Những giá trị và tiện ích của các con đường bộ bây giờ, nếu không phải là người Mường Nhé thì khó có thể cảm nhận hết được. “Ngày tuyến tỉnh lộ 131 lên cửa khẩu A Pa Chải được khơi thông, nhiều người dân Mường Nhé đã ứa nước mắt vì vui mừng. Có đường giao thông, nông sản, gia súc trở thành hàng hóa, đời sống đồng bào khấm khá lên rất nhiều” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng nhớ lại.

Cùng với cơ sở hạ tầng được đồng bộ, hàng nghìn hộ nghèo Mường Nhé đã ổn định cuộc sống trong những căn nhà mới. Đây là kết quả từ chủ trương hỗ trợ làm nhà ở cho hộ nghèo của Bộ Công an ở các địa bàn khó khăn. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng khẳng định: Chương trình này mang đầy tính nhân văn và ý nghĩa. Chỉ trong khoảng gần 1 năm nay, bằng sự vào cuộc quyết liệt, nhiệt huyết của cả hệ thống chính trị và chính người dân thụ hưởng, toàn bộ 1.149 ngôi nhà đã hoàn thành. Ðón nhận ngôi nhà mới đạt tiêu chuẩn “3 cứng”, bà con vui mừng khôn xiết. Nhiều năm qua, bà con Mường Nhé dù đã nỗ lực lao động, tìm kế sinh nhai, nhưng do nhiều nguyên nhân, nên không thể tích cóp đủ tiền làm nhà. Nay được Ðảng, Nhà nước, nhất là Ðảng ủy Công an Trung ương đã kêu gọi, vận động từ nhiều nguồn, với tổng kinh phí trên 55 tỷ đồng xóa nhà tạm cho các hộ nghèo. Với cách làm mới, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm, huyện biên viễn xa xôi, nghèo khó nhất nước, nay đã “xóa” xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo.

Trong căn nhà mới của gia đình mình, anh Lỳ Gó Po (bản Leng Su Sìn, xã Leng Su Sìn, Mường Nhé) không giấu nổi niềm vui. Anh Po cho biết: Cái nghèo đeo bám đã nhiều năm khiến cuộc sống của gia đình anh thiếu thốn trăm bề, gia đình phải sống trong căn nhà dột nát, mặc dù hai vợ chồng cố gắng làm nương trồng lúa trồng ngô những vẫn không đủ cơm ăn, áo mặc. “Nhờ ơn Đảng, Nhà nước cho tiền xây nhà mới, vợ chồng tôi rất phấn khởi. Tôi tự nhủ sẽ quyết tâm làm việc thật chăm chỉ, tích cóp để sắm sửa thêm đồ đạc cho vợ con. Khi nào có tiền trồng rừng, tiền bán ngô tôi sẽ mua gạch hoa về lát nền. Căn nhà vốn đã mát sẽ còn mát hơn” - anh Po hào hứng kể về dự định của mình.

Quả thực, đến các bản làng Mường Nhé hôm nay, chúng tôi thấy diện mạo nông thôn nơi đây đã có nhiều khởi sắc. Nhà cửa của người nghèo đã kiên cố, hạ tầng cơ sở các khu, điểm bố trí dân cư khang trang hơn. Trong các ngôi nhà mới, tiếng trẻ ê a học bài, tiếng loa đài, ti vi vui nhộn hơn hẳn so với trước. Ðược sinh hoạt trong những ngôi nhà mới kiên cố, thoáng mát, lòng người cũng chộn rộn khó tả. Bà con không quên cảm ơn Ðảng, Nhà nước đã quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ công, của làm nhà. Thấu hiểu sự tri ân, sẻ chia đó, bà con Mường Nhé đều đặt quyết tâm lao động sản xuất phát triển kinh tế; ổn canh ổn cư để giữ đất, giữ bản, bảo đảm an ninh trật tự.

Biến thách thức thành cơ hội

Về Mường Nhé lần này, chúng tôi còn được nghe câu chuyện về cơ hội thoát nghèo, đổi đời cho đồng bào các dân tộc nơi đây. Nếu như trước kia, Mường Nhé còn loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ rừng bền vững thì nay đã có lời giải. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng chia sẻ: Điều đáng mừng nhất trong 2 năm trở lại đây đối với bà con Mường Nhé đó chính là thu hút được dự án trồng cây mắc ca, với quy mô 10.000ha đang được triển khai tại 6 xã, hứa hẹn sẽ mở ra hướng phát triển bền vững. Dự án này là niềm khao khát bấy nay không chỉ của lãnh đạo tỉnh mà còn là mong muốn của tất cả bà con Mường Nhé. Để có đươc sự lựa chọn đầu tư của doanh nghiệp là cả một quá trình vào cuộc bền bỉ của cả hệ thống chính trị và người dân địa phương với hy vọng sẽ đơm hoa kết trái, đem lại đời sống ấm no cho mảnh đất này. “Người dân vùng dự án có thể tham gia liên kết trồng mắc ca với doanh nghiệp thông qua góp đất, cho doanh nghiệp thuê đất hoặc tự trồng mắc ca. Về lợi nhuận, cơ quan quản lý Nhà nước, nhà đầu tư và người dân cùng nhau thương thảo, thống nhất mức chia sẻ lợi nhuận, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên, nhất là lợi ích của người dân” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng khẳng định.

Gắn bó nhiều năm với mảnh đất Điện Biên linh thiêng, anh Bùi Văn Định, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Mắc Ca Tây Bắc đã quá thấu hiểu nỗi khổ, sự vất vả của bà con nơi đây. Bởi vậy, quyết định đầu tư của anh Định không đặt nặng vấn đề lợi nhuận mà tham vọng chính của anh là muốn “biến những giọt mồ hôi của người dân thành những đồng tiền có giá trị”.  Anh Bùi Văn Định cho biết: Mô hình triển khai của công ty là đưa bà con nông dân trở thành cổ đông. Nông dân được Nhà nước giao bình quân 5ha đất/hộ để tham gia góp đất cùng doanh nghiệp, vừa là cổ đông và là công nhân làm việc trực tiếp cho công ty. Trong 5 năm đầu chưa có thu hoạch, công ty sẽ hỗ trợ kinh phí với mức hỗ trợ 4 triệu đồng/ha/năm. Sau thời kỳ kiến thiết có sản phẩm sẽ nâng mức hỗ trợ thêm 4 triệu đồng/ha/năm cho các hộ dân góp đất. Mặt khác, người dân còn trở thành chính công nhân của công ty với mức thu nhập 50 - 60 triệu đồng/năm. Như vậy, vừa bảo đảm thu nhập, việc làm vừa hạn chế tình trạng phá rừng. Bên cạnh mô hình cổ đông góp đất, chúng tôi cũng sẽ đào tạo, hướng dẫn, tập huấn để các hộ nông dân có thể trồng, chăm sóc thêm diện tích 1-2ha/hộ và công ty cam kết sẽ đứng ra bao tiêu thu mua toàn bộ quả sau thu hoạch.

Đưa quyết sách đúng và trúng

Có thể thấy, Mường Nhé đang đổi thay từng ngày. Tuy nhiên, nhìn thực tế, Mường Nhé vẫn còn nghèo, những khó khăn, thách thức phía trước không phải là ít, đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Mường Nhé cần phải nỗ lực, đoàn kết hơn nữa để vượt khó. Bởi vậy, Mường Nhé cần có những quyết sách, chiến lược phát triển bài bản, dài hơi. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng trăn trở: Đất nước đang đổi mới, Điện Biên đang thay đổi nhanh chóng. Là cán bộ, đảng viên trong bộ máy thì nhận thức và hành động của mọi người như thế nào để hòa vào sự phát triển ấy? Điều cốt lõi ở đây vẫn là yếu tố con người hay nói rộng ra là tính chiến đấu, năng lực, bản lĩnh mỗi cán bộ, Đảng viên trong toàn hệ thống chính trị; đặc biệt là sự chung tay, đoàn kết của đồng bào các dân tộc. “Định hướng thời gian tới của Mường Nhé vẫn là đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, phát huy sức mạnh đoàn kết các dân tộc; quyết tâm xây dựng Mường Nhé trở thành điểm sáng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia” - Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng cho biết.

Để làm tốt định hướng này, ngoài yếu tố con người thì cũng cần bàn đến câu chuyện nguồn lực đầu tư. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Quang Hưng tâm sự: Trong điều kiện nguồn thu hạn hẹp, với một huyện nghèo như Mường Nhé chi một đồng cũng phải nâng lên đặt xuống, đắn đo ưu tiên lĩnh vực nào trước, khu vực nào sau bởi nhìn đâu cũng thấy cần thiết. Bởi vậy, huyện sẽ cân nhắc kỹ lưỡng trong việc đầu tư, tránh sự dàn trải, kém hiệu quả, đồng thời, sẽ phát huy tối đa nội lực để phát triển bền vững. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có việc tập trung thu hút nguồn lực đầu tư để phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao và phát triển bền vững, nhất là việc thu hút đầu tư để thúc đẩy trồng cây công nghiệp như mắc ca, cao su... Đồng thời, huyện sẽ tích cực giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững cho Nhân dân bằng việc tập trung triển khai bảo đảm mục tiêu, yêu cầu của Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ theo Nghị quyết số 88/2019/QH14 của Quốc hội…

Chia tay Mường Nhé chúng tôi trở về thành phố Điện Biên Phủ, trong tiết trời xanh mát, dường như ở đây từ dòng suối Mo Phí, điệu khèn, tiếng pí cái gì cũng nghiêng nghiêng duy chỉ có tấm lòng đồng bào thì bao giờ cũng thẳng, như đỉnh Pú Đen Đinh 1.886 mét dũng mãnh vút cao trên bầu trời biên cương. Dẫu cho thiên nhiên khắc nghiệt, dẫu cho cuộc sống còn nhiều khó khăn, chúng tôi tin rằng với những nỗ lực, cố gắng chung tay của Ðảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện, Mường Nhé sẽ tiếp tục đổi thay, phát triển vượt bậc trong tương lai không xa.

Ghi chép của TRỌNG HIẾU