Quảng Bình: Cái được lớn nhất là lòng dân

- Thứ Bảy, 23/09/2006, 00:00 - Chia sẻ
Trong chiến tranh, đồng báo các dân tộc tỉnh Quảng Bình một lòng theo cách mạng. Hoà bình, họ lại trở về với ruông, với nương. Âëy vậy nhưng làm lụng quanh năm mà cái nghèo, cái đói cứ quấn riết, bủa vây cuộc sống của đồng bào. Quá khứ chưa xa, năm 1999, dân số Quảng Bình vỏn vẹn chưa đầy 80 vạn người mà có 39 xã đặc biệt khó khăn, 70% dân số trong các xã này thuộc diện đói nghèo; hàng trăm hộ đồng bào Mã Liềng còn chưa có nhà cửa, sống du canh du cư; hàng chục xã miền núi không điện, không đường giao thông, thiếu trường học, thiếu trạm y tế, người dân thiếu đói triền miên và hầu như không được hưởng thụ các “món ăn” tinh thần.

      Thế rồi, các Chương trình 135, 134 về với Quảng Bình như những cơn mưa đầu mùa tưới tắm lên những bản làng, xua tan dần cái đói, cái nghèo, dẫn lối cho đồng bào đến với văn minh, tiến bộ. “Khoai ông Đệ”-  bà con ở bản Cờ Đỏ (Thượng Trạch, Bố Trạch) đem những củ khoai mát ra khoe với nhà báo. Lần đầu tiên trồng được giống khoai to chưa từng có, đồng bào mừng lắm, có khách lạ là đem ra khoe, gọi đó là cây “xoá đói giảm nghèo”. Trưởng ban Dân tộc Đặng Văn Đệ- người “mang tên một loài khoai”  vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, ông nói: Các chương trình đã tạo ra diện mạo mới cho vùng miền núi nói chung, các xã đặc biệt khó khăn nói riêng. Cơ sở hạ tầng được xây dựng đồng bộ, khang trang từ điện, đường, trường học, trạm xá, chợ, công trình thuỷ lợi, khai hoang, nước sinh hoạt... Đến nay, 100% số xã đã có trường tiểu học, 88% số xã có trường trung học cơ sở xây dựng kiên cố, 33/39 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn có đường ô tô đi lại quanh năm thuận tiện, 37/39 xã có điện lưới quốc gia. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, bước đầu đã biết sản xuất và chăn nuôi theo hướng thâm canh, tự túc một phần lương thực. Đặc biệt là các tộc người thuộc dân tộc Chứt đã có sự chuyển biến rõ rệt từ chỗ du canh du cư, không có nhà cửa, đến nay đã cơ bản định canh định cư ổn định. Có thể nói, nguồn vốn của chương trình là động lực quan trọng, là cú hích rất lớn trong công cuộc xoá đói giảm nghèo. Đến cuối năm 2005, trong tổng số 39 xã đặc biệt khó khăn có 8 xã thoát nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.
      Trong 7 năm qua, kể từ khi chương trình 135 được thực hiện, đã có 211 công trình (trường, giao thông, điện, thuỷ lợi, trạm xá, khai hoang, nước sinh hoạt, chợ) được xây dựng; 12 trung tâm cụm xã đã thành hình thành khối; 260 hộ đồng bào dân tộc đã ổn định nơi ở mới, nhiều bản có cuộc sống vượt bậc so với nơi ở cũ, tiêu biểu như các bản Cà Xen, Khe Khế, Trung Sơn, Khe Cát; hàng trăm con bò giống, hàng chục máy cày, hàng chục cơ sở chế biến lương thực, các giống cây trồng, vật nuôi đã được chương trình hỗ trợ về các thôn, bản xa xôi; 2050 lượt cán bộ, công chức xã đã được tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ; 17 mô hình sản xuất đã được xây dựng và nhân rộng, như mô hình trồng lúa nước ở bản Chăm Pu, bản Cà Xen, mô hình trồng cây khoai mát ở bản Cờ Đỏ, mô hình cá giống ở Hoá Tiến... Đối với Chương trình 134, Quảng Bình phải triển khai một khối lượng công việc rất lớn, với 2.568 hộ cần hỗ trợ đất sản xuất, 1.121 hộ cần hỗ trợ đất ở, 2.675 hộ cần hỗ trợ nhà ở, 2.270 hộ cần hỗ trợ nước sinh hoạt. Sau hơn một năm triển khai chương trình này, tổng các nguồn vốn huy động lên tới 40 tỷ đồng. Nhiều huyện đã giải quyết cơ bản vấn đề nhà ở cho đồng bào như Bố Trạch, Tuyên Hoá. 
      Đó là những kết quả đạt đượ xét về mặt con số. Nhưng kết quả mà lớn lao không thể định lượng được chính là về mặt xã hội, chính trị. Qua việc thực hiện các chương trình, một lần nữa tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái, nghĩa cử của tình đồng chí, đồng bào được khơi dậy. Nguồn nội lực được phát huy mạnh mẽ. Các chương trình đã đem đến cho đông bào các dân tộc cuộc sống vật chất và tinh thần mới. Và, cái được lớn nhất của các chương trình là lòng dân niềm tin mãnh liệt của đồng bào vào Đảng, Chính quyền và sự phát triển của quê hương. 
       Vẫn biết Quảng Bình còn nhiều khó khăn. Nguồn vốn có hạn, chính sách hỗ trợ khai hoang, hỗ trợ khai thác gỗ làm nhà thuộc Chương trình 134 còn bất hợp lý so với thực tế..., và còn cả khó khăn do tâm lý trông chờ, ỷ lại một số hộ đồng bào... Nhưng, ngược dòng sông Gianh, sông Son, ngược đường 12A, đi trên đường Trường Sơn của thời đại công nghiệp hoá, ngắm nhìn những ngôi nhà của đồng bào Vân Kiều, tộc người Chứt toạ lạc yên bình trong những bản làng mới, trẻ em cắp sách đến trường, người ốm đau đến bệnh xá chứ không cúng Giàng như ngày xưa nữa..., chúng tôi dễ dàng cảm nhận được một cuộc sống mới đang nảy sinh, phát triển, bên sườn Đông Trường Sơn hùng vĩ.

Phú Bình