Nguồn lực phát triển từ ngoại giao văn hóa

- Thứ Năm, 19/05/2022, 06:08 - Chia sẻ

Trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với hoạt động đối ngoại nhân dân, những nỗ lực trong hoạt động ngoại giao văn hóa của TP. Cần Thơ thời gian qua đã góp phần giúp thành phố mở rộng quan hệ với bạn bè và đối tác trên thế giới; qua đó tranh thủ được nhiều nguồn lực quốc tế để phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội theo những mục tiêu, định hướng đã đề ra.

Kết nối niềm tin từ văn hóa

Xác định ngoại giao văn hóa là cầu nối quan trọng để mở rộng quan hệ hợp tác, những năm qua, bên cạnh việc cử cán bộ tham dự các lễ hội, sự kiện văn hóa lớn trên thế giới; tham gia các hoạt động triển lãm, giới thiệu văn hóa thành phố tại các nước, thông qua vai trò tham mưu, điều phối của Sở Ngoại vụ, thành phố đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu với các đoàn nghệ thuật đến từ nhiều nước trên thế giới thông qua các hoạt động ca hát, xiếc, giới thiệu ngôn ngữ, văn hóa...

Nguồn lực phát triển từ ngoại giao văn hóa -0
Nhiều nguồn lực được phát triển từ các hoạt động ngoại giao văn hóa diễn ra tại thành phố Cần Thơ. Ảnh: L.G

Song song với đó, thành phố chủ động giới thiệu, quảng bá, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa từ các công trình, biểu tượng hữu nghị giữa Cần Thơ với đối tác nước ngoài như: “Góc Thông tin Jeollanamdo - Hàn Quốc” tại Trường Đại học Kỹ thuật công nghệ Cần Thơ, Trung tâm Hàn Quốc học và Viện vua Sejong Cần Thơ tại Trường Đại học Cần Thơ, Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản; tạo điều kiện cho đối tác nước ngoài tham gia các sự kiện văn hóa, ẩm thực do thành phố tổ chức như Lễ hội Bánh dân gian Nam Bộ, Liên hoan Đờn ca tài tử; Ngày hội Du lịch chợ nổi Cái Răng, tham quan Đền thờ Vua Hùng Cần Thơ và các di tích văn hóa - lịch sử trên địa bàn. Qua đó, người dân thành phố có điều kiện thưởng thức các loại hình nghệ thuật văn hóa đặc sắc của nhiều quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế những nét đặc sắc của văn hóa, con người Cần Thơ nói riêng, Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

Theo bà Lê Thị Thanh Giang, Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố, với quan điểm gắn kết chặt chẽ hoạt động ngoại giao văn hóa với đối ngoại nhân dân, Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị thành phố đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo thành phố để mở rộng các hoạt động ngoại giao văn hóa, giao lưu hữu nghị với các nước có mối quan hệ hợp tác, hữu nghị với thành phố, nhất là các nước láng giềng và các nước ASEAN, qua đó mở rộng cơ hội hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong giai đoạn 2015 - 2020, thành phố đã tổ chức hơn 100 sự kiện chính trị ngoại giao nhân dân.

Bên cạnh đó, hằng năm, UBND thành phố đều tổ chức tiệc chúc mừng năm mới dành cho các chuyên gia nước ngoài đang công tác tại Cần Thơ; gặp mặt thân mật với bà con Việt kiều tiêu biểu của thành phố; thực hiện các chương trình, khám chữa bệnh nhân đạo cho người dân Campuchia; tài trợ học bổng cho sinh viên Lào, Campuchia sang học đại học, cao học, nghiên cứu sinh tại các trường đại học trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, từ năm 2019 chính quyền thành phố thực hiện chủ trương thu hút, mời gọi những tổ chức nước ngoài có vai trò ươm mầm cho hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp, các vườn ươm ý tưởng khởi nghiệp, các quỹ đầu tư mạo hiểm… để thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp trên địa bàn thành phố và các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mở rộng ngoại giao văn hóa để phát triển bền vững

Để tiếp tục nâng cao vai trò và hiệu quả của hoạt động ngoại giao văn hóa, ngày 17.1.2022, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch số 12/KH-UBND “Thực hiện chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Cần Thơ”. Theo đó, trong giai đoạn này, thành phố đề ra 5 nội dung trọng tâm trong hoạt động ngoại giao văn hóa là:  Thúc đẩy quan hệ hợp tác với các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế; Hội nhập sâu, rộng trong các lĩnh vực về văn hóa và các lĩnh vực khác tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế; Tăng cường quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh vùng đất và con người TP. Cần Thơ; Vận động, đa dạng hóa và bảo tồn, phát huy các di sản, danh hiệu quốc gia, quốc tế của TP. Cần Thơ và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Thành phố chú trọng thông tin, tuyên truyền về Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030, Kế hoạch thực hiện Chiến lược ngoại giao văn hóa của thành phố, nét đẹp văn hóa và con người TP. Cần Thơ; chủ động cung cấp thông tin giới thiệu về TP. Cần Thơ đến các hãng thông tấn báo chí nước ngoài thường trú tại Việt Nam; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hoạt động ngoại giao văn hóa từng năm có trọng tâm, trọng điểm và lồng ghép, kết nối với các hoạt động giao lưu văn hóa của nước bạn hoặc các chương trình của Bộ Ngoại giao; tổ chức chương trình gặp gỡ, họp mặt kiều bào nhân các chuyến công tác nước ngoài của lãnh đạo thành phố; tăng cường hoạt động giao lưu văn hóa giữa học sinh, sinh viên, thanh niên thành phố với học sinh, sinh viên, thanh niên các nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng và cập nhật kiến thức đối ngoại có lồng ghép các chuyên đề về ngoại giao văn hóa cho đội ngũ công chức, viên chức thành phố…

Với quan điểm văn hóa là một trong bốn trụ cột của quá trình phát triển kinh tế - xã hội; phát huy vai trò của văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội là mục tiêu, động lực của sự phát triển, thời gian tới, trong hoạt động ngoại giao văn hóa, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình quảng bá các giá trị văn hóa, hình ảnh của vùng đất, con người Cần Thơ, các di sản văn hóa trên địa bàn. Thành phố xác định sức mạnh mềm từ văn hóa sẽ giúp thành phố phát triển nhanh và bền vững, đưa Cần Thơ thành một địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế và vươn lên trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

VŨ CHÂU